Theo đó, viên chức - những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, sẽ ký hợp đồng lao động với thời hạn 12 tháng đến 60 tháng, không còn hợp đồng vô thời hạn.
Bỏ "viên chức suốt đời" sẽ tạo cơ chế linh hoạt cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Đơn vị nào có chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc tốt hơn, sẽ thu hút nhiều người tài năng hơn. Ngược lại, người lao động cũng phải luôn cố gắng để đáp ứng yêu cầu công việc.
Ảnh minh họa
Tăng tính cạnh tranh giữa viên chức
Đây cũng là giải pháp chọn lọc tự nhiên để xã hội ngày càng được hưởng những dịch vụ tốt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Mặc dù dư luận đồng tình cao, thông tin này đã gây không ít "xáo động" trong tâm tư của những người làm công ăn lương, nhất là đội ngũ y, bác sĩ và giáo viên.
Nghề y và nghề giáo là những nghề đặc thù, cao quý liên quan sự nghiệp "trồng người" và liên quan trực tiếp tính mạng, sức khỏe của chúng ta.
Thực tế đang cho thấy để cạnh tranh về tiền lương giữa khu vực công và tư, khu vực công không thể đáp ứng được vì tiền lương và các chế độ khác phải theo quy định chung của pháp luật. Do vậy, khi lương thấp, không còn chế độ biên chế suốt đời, liệu có tuyển và giữ chân được những người có đức, tài hay không?
Khái niệm "biên chế" như chúng ta thường hiểu xưa nay là chỗ làm suốt đời và không thể mất việc, trừ khi vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Bỏ biên chế sẽ triệt tiêu thói quen không tốt của nhiều viên chức khi cho rằng mình đã vào biên chế là an toàn, không lo quy luật đào thải.
Đây đã và đang là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước. Đã quá lâu rồi! Chính vì thế, cũng đã đến lúc cho nó "đi vào dĩ vãng" để thay đổi bộ mặt mới, kích thích người lao động học hỏi, nâng cao trình độ để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Đúng nhưng...
Những hữu ích của việc chuyển viên chức sang hợp đồng lao động sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư, sẽ nâng cao được trách nhiệm của viên chức với công việc mà mình phụ trách.
Song tồn tại nghịch lý khi bỏ biên chế là trong cùng một cơ quan lại tồn tại hai dạng viên chức, một người có biên chế và một là hợp đồng xác định thời hạn; cùng một vị trí việc làm, nhưng hưởng chế độ khác nhau.
Một băn khoăn là viên chức biên chế nếu yếu kém về năng lực có bị loại thải như viên chức hợp đồng có thời hạn không? Và viên chức hợp đồng làm tốt công việc có được ký tiếp hợp đồng nữa không, hay lại phải chạy chọt, xin xỏ, để được tiếp tục làm việc?
Ảnh minh họa
Làm thế nào để quản lý được nếu cấp trên "chèn ép" cấp dưới hoặc lãnh đạo ưu ái con em? Việc này lại phụ thuộc hoàn toàn người đứng đầu cơ quan đó có công tâm hay không.
Những điểm e ngại, ngoài nỗi lo mất việc hay đối xử thiếu công bằng của giáo viên, đội ngũ y bác sĩ, là quy định của luật liệu có biến ông hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện thành ông chủ - người có quyền sinh sát tuyệt đối, khiến họ phải phụ thuộc, hạ thấp cả tư cách lẫn khả năng sáng tạo, biến họ thành con giun, cái kiến.
Tóm lại, bỏ biên chế là đúng, nhưng nó chỉ hiệu quả khi biên chế hay hợp đồng có thời hạn được đối xử như nhau về mọi mặt, nhất là về chế độ tiền lương.
Như vậy, cần phải có thêm quy định để đội ngũ y, bác sĩ, thầy, cô giáo có tiếng nói trong việc tuyển chọn hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện. Nói cách khác, quyền lực giữa hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện với quyền của đội ngũ y, bác sĩ, giáo viên phải được cân bằng, thông qua một hội đồng y, bác sĩ, hội đồng giáo viên do đội ngũ y, bác sĩ, giáo viên bầu chọn.
Hội đồng này có tiếng nói quan trọng trong việc đánh giá, lựa chọn hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện cùng ban lãnh đạo bệnh viện, hội đồng trường, hội đồng phụ huynh và cơ quan cấp trên.
Còn hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện có quyền quyết định tuyển dụng, sa thải với cá nhân từng viên chức dựa trên các chuẩn mực và yêu cầu công việc trong hợp đồng.
Hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm trước các hội đồng, chứ đừng như hiện nay, họ chỉ chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên đã bổ nhiệm họ, mà không có cơ chế giải trình trách nhiệm với y, bác sĩ, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Nhiều người mong muốn quy định bỏ biên chế suốt đời còn được áp dụng với cả công chức, đặc biệt là với các công chức lãnh đạo. Để những người có tài thực sự làm quản lý thì các vị trí lãnh đạo trong đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập phải thi tuyển công khai chứ không bổ nhiệm như hiện nay.
Người không làm được việc phải nghỉ chứ không thể chỉ có lên mà không xuống. Lên rồi không làm được việc lại bố trí vòng quanh và tổ chức, đơn vị phải "chịu đựng" bao nhiêu rối ren mà không biết "kêu" ai!
Tạo ra sức ép về biên chế để cán bộ, công chức, viên chức tận tụy hơn, nhưng Nhà nước cũng cần đối xử với những cống hiến của họ công bằng, phù hợp hơn.
Còn chính sách có tốt đẹp đến mấy mà cứ hô hào khẩu hiệu thì mọi thứ vẫn quanh quẩn chỗ cũ, như ngành này ngành nọ bao lần cải cách, đổi mới nhưng chẳng hề tiến lên được bước nào, mà càng tụt hậu xa hơn.
Bình luận (0)