Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong đó, đáng lưu ý tất cả trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực (ngày 1-7-2020) sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH khẳng định bỏ chế độ viên chức suốt đời là thể chế hóa Nghị quyết Trung ương về thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới. Viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành. Quy định này cũng phù hợp với điều 240 Bộ Luật Lao động hiện hành và điều 220 Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Đặc biệt, Luật cũng đã quy định rõ việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Theo đó, mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật. Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1-7-2020 được thực hiện theo quy định của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Theo nhiều cán bộ Công đoàn, quy định bỏ chế độ viên chức suốt đời là phù hợp với Bộ Luật Lao động hiện hành và điều 220 Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM)
Hết "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"
Cá nhân tôi rất ủng hộ những nội dung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được QH thông qua, nhất là việc xóa bỏ chế độ viên chức suốt đời. Thực tiễn chế độ "biên chế trọn đời" hiện nay đã chỉ ra tình trạng do mức lương thấp nên dẫn đến việc một bộ phận viên chức "chân ngoài dài hơn chân trong". Việc tìm mọi cách đi làm ngoài để tăng thêm thu nhập cũng khiến họ xao nhãng công việc, ngại đổi mới và ỷ lại trong công việc. Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được QH thông qua sẽ bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng thể hiện năng lực, phấn đấu được ký hợp đồng xác định thời hạn liên tục, cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là năng suất lao động.
Ông Lê Văn Sáng, nhà giáo hưu trí (ngụ tại quận 3, TP HCM)
Chấm dứt tình trạng ô dù, ỷ lại
Xóa bỏ chế độ “biên chế trọn đời”, nghĩa là hợp đồng lao động xác định thời hạn sẽ thay thế cho hợp đồng lao động không xác định thời hạn và điều này phù hợp với xu thế hội nhập chung của đất nước, đặc biệt là Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Lâu nay, chúng ta vẫn thường đề cập đến thực trạng một bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả. Nhiều địa phương tuyển dụng, đưa vào hệ thống những nhân lực yếu kém, không đủ năng lực trình độ chuyên môn để đảm nhiệm vị trí công tác. Khi lọt vào được bộ máy Nhà nước, không ít người cậy quyền cậy thế trong quá trình thực thi nhiệm vụ, gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp, khiến hình ảnh người cán bộ, viên chức méo mó. Do vậy, những thay đổi quan trọng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ buộc đội ngũ viên chức phải luôn nỗ lực, phấn đấu trong công việc nếu không muốn bị đào thải. Đồng thời, hạn chế được tình trạng trì trệ, ỷ lại trong đội ngũ viên chức.
Ông Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật Đặng và cộng sự
Nêu cao trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được QH thông qua định rõ việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Theo đó, mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật. Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Theo tôi, đây là quy định tiến bộ nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trorg quá trính thực thi công vụ..
Các loại hợp đồng làm việc
1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 1-7-2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.
2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp sau đây:
a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020;
b) Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;
c) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Bình luận (0)