Trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần này, chương về tiền lương được điều chỉnh khá toàn diện, đặc biệt là sự thay đổi về khái niệm tiền lương để phù hợp với quy định của Luật BHXH hay cách tính tiền lương làm thêm giờ, lương ngừng việc, khấu trừ tiền lương… Tuy nhiên, những điều chỉnh ấy vẫn bộc lộ bất cập, cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo tham vấn lấy ý kiến về dự án Bộ Luật Lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức ở TP HCM mới đây.
Liệt kê "cứng nhắc"
Theo dự thảo, lương là số tiền mà người lao động (NLĐ) được hưởng theo hợp đồng lao động sau khi đã hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian nhất định. Lương gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp, trợ cấp - không bao gồm các khoản trợ cấp, phụ cấp mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) trả cho NLĐ để bảo đảm hoặc hỗ trợ chi phí về nhà ở, điện, điện thoại, ăn, nước, xăng xe đi lại, gửi trẻ, nuôi con nhỏ, ốm đau do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thôi việc, mất việc làm hoặc về hưu; các khoản tiền đóng góp của NSDLĐ cho quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; tiền thưởng sau thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN).
Theo bà Nguyễn Thị Mai, đại diện Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam, việc liệt kê các khoản trợ cấp, phụ cấp trong dự thảo hết sức "cứng nhắc", dẫn đến DN gặp khó khăn khi thực hiện. Chẳng hạn, công ty có thêm chế độ trợ cấp chăm sóc sức khỏe cho NLĐ và có thể hiểu đây là khoản phúc lợi dành cho NLĐ. Với cách liệt kê trong dự thảo, khoản này sẽ phải quy vào lương dù bản chất nó không phải lương và đây là điều bất hợp lý.
Chính sách tiền lương phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động
Bà Mai cho biết năm 2015, công ty của bà đã tổ chức không biết bao nhiêu cuộc họp chỉ để làm rõ các định nghĩa về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản bổ sung khác. "Khi chính sách tiền lương đã được DN vận hành trơn tru rồi thì luật lại thay đổi. Theo tôi, các quy định về lương hiện hành đã rất rõ ràng và nên tiếp tục duy trì, không nhất thiết phải thay đổi" - bà đề nghị.
Không chỉ khái niệm về lương, định nghĩa về lương tối thiểu trong dự thảo cũng được các đại biểu đánh giá là còn mơ hồ. "Theo dự thảo, tiêu chí xác định lương tối thiểu là phải bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Thế nhưng, bao nhiêu năm nay, tiêu chí này chưa thể đáp ứng được và gây khó khăn trong quá trình thương lượng của Hội đồng Tiền lương quốc gia hằng năm. Do đó, ban soạn thảo cần xem xét xác định lại tiêu chí cho phù hợp" - bà Lê Thị Thúy Hương, Trưởng Khoa Luật Lao động Trường ĐH Luật TP HCM, góp ý.
Lương làm thêm giờ gây tranh cãi
Những sửa đổi liên quan đến tiền lương làm thêm giờ trong dự án Bộ Luật Lao động lần này cũng được các đại biểu quan tâm.
Theo đó, dự thảo đưa ra 2 phương án trả lương làm thêm giờ. Phương án 1 cơ bản giữ nguyên theo cách tính của Bộ Luật Lao động năm 2012. Ở phương án 2, NLĐ làm thêm vào ngày thường được trả ít nhất bằng 150% cho giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho các giờ làm thêm tiếp theo. Nếu làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần, NLĐ được trả ít nhất bằng 200% cho 2 giờ làm đầu tiên, 300% cho các giờ làm thêm tiếp theo và ít nhất 300% cho 2 giờ làm việc đầu tiên, 400% cho giờ làm thêm tiếp theo khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương. Với phương án 2, quyền lợi được hưởng của NLĐ cao hơn nhưng bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình cũng có không ít phản đối từ DN.
Ông Vũ Trọng Hiền, chuyên viên pháp chế - lao động Công ty May thêu Thuận Phương, cho rằng cách tính của phương án 2 sẽ gây khó khăn trong việc tính toán giờ làm thêm và tăng gánh nặng tài tình cho DN. "Khi phỏng vấn tuyển dụng, NLĐ hay hỏi ở công ty có tăng ca không, nếu chúng tôi trả lời không thì họ sẽ không đồng ý vào làm việc. Như vậy, tăng ca không chỉ là nhu cầu của DN mà còn của cả NLĐ nhằm tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Thế nhưng, cách tính lương mới chỉ có lợi hơn cho NLĐ, còn DN thì không" - ông Hiền nêu.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty May Việt Tiến đề nghị xác định lại mức lương tính tiền làm thêm giờ bởi theo quy định là căn cứ lương thực trả nhưng lương thực trả gồm những khoản nào thì dự thảo luật không nêu rõ.
Một quy định bất cập khác là về khấu trừ tiền lương của NLĐ. Đại diện Công ty May Việt Tiến đặt vấn đề: "Theo dự thảo, khi DN muốn khấu trừ tiền lương của NLĐ để đóng BHXH hay đóng góp vào các quỹ bắt buộc theo quy định thì phải có ủy quyền bằng văn bản của NLĐ. Nếu NLĐ không chịu làm ủy quyền, DN không thể trích tiền lương để đóng các khoản đó thì có vi phạm pháp luật không?".
Về vấn đề tính tiền làm thêm giờ, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết do 2 phương án đang nhận được ý kiến trái chiều của NLĐ và NSDLĐ nên bộ sẽ tiếp tục lắng nghe từ nhiều phía để tìm ra phương án khả thi nhất, dung hòa được lợi ích của các bên.
Bình luận (0)