Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ Luật Lao động hiện hành; trong đó sửa đổi, bổ sung 162 điều trong tất cả các chương và sửa đổi 2 điều của Luật BHXH liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đây là đạo luật có tác động sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân và người lao động (NLĐ), nhận được sự quan tâm, theo dõi đặc biệt của dư luận. Nguyện vọng của tất cả NLĐ là việc sửa đổi, bổ sung lần này phải mang lại lợi ích tốt hơn cho NLĐ; đồng thời hướng tới bảo đảm sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động.
Tăng tuổi nghỉ hưu: Phải xem xét toàn diện
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết hiện nay xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động, trong khi Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, mỗi năm trung bình có khoảng 1,2 triệu người bước vào thị trường lao động. Việt Nam cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hóa dân số, việc quy định tuổi nghỉ hưu phải tính toán, trong đó xem xét nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ và nguyện vọng của một bộ phận NLĐ lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là những DN sử dụng nguồn nhân công trực tiếp, không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất do độ tuổi càng lớn thì sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc của NLĐ càng giảm, trong khi phải trả lương cao vì thâm niên làm việc. Mặt khác, tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân thì chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm, trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần này theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.
Việc tăng giờ làm thêm phải bảo đảm tái tạo kịp thời sức lao động cho người lao động Ảnh: TRỰC NGÔN
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, tổ chức Công đoàn (CĐ) đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. "Đối với những đối tượng này, phải đánh giá tác động và tiếp tục lắng nghe ý kiến trực tiếp từ họ; giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động" - ông Hiểu bày tỏ.
Giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi
Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) quy định mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa: "Bảo đảm tổng số giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ trong một năm, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 400 giờ trong một năm".
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc xem xét mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm là cần thiết nhưng phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như: việc làm, thất nghiệp, sức khỏe của NLĐ, an toàn lao động, các vấn đề về xã hội... và cả xu hướng của thế giới hiện nay (giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi). Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, bảo đảm tái tạo kịp thời sức lao động cho NLĐ. Thực tế hiện nay quy định về thời giờ làm việc chính thức của Việt Nam rất cao với 48 giờ/tuần; nghỉ lễ, Tết rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, quy định về giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với chính sách tiền lương của DN, bảo đảm quyền lợi của NLĐ, tránh việc DN lợi dụng tăng giờ làm thêm để trả lương thấp, buộc NLĐ không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải "tự nguyện" làm thêm giờ mới có thu nhập để đủ trang trải cuộc sống. Do đó, trong quá trình tham gia hoàn thiện dự án luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam liên tục có ý kiến đề xuất: Chỉ đồng ý xem xét mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ khi tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ được tính theo lũy tiến. Việc quy định chi trả tiền lương làm thêm giờ theo lũy tiến sẽ góp phần khắc phục tình trạng DN không tuyển dụng lao động phù hợp với quy mô và năng lực để trốn tránh nghĩa vụ, mà huy động làm thêm giờ tràn lan như hiện nay. Từ thực tế này, Tổng LĐLĐ Việt Nam dự thảo 2 phương án tính lương làm thêm giờ. Phương án 1: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho giờ làm thêm thứ 3, 250% cho giờ làm thêm thứ 4. Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 250% cho giờ làm thêm thứ 3, 300% cho giờ làm thêm thứ 4. Vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 350% cho giờ làm thêm thứ 3, 400% cho giờ làm thêm thứ 4. Phương án 2: 200 giờ làm thêm đầu tiên, tính như quy định hiện hành (ngày thường; ngày nghỉ; ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương); từ giờ 201 đến giờ thứ 300: ít nhất bằng 250%.
Bảo vệ lao động nữ tốt hơn
Về một số nội dung đối với lao động nữ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người sử dụng lao động: "Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt - trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động, tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Khi lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến khi con đủ 12 tháng tuổi.
Bình luận (0)