"Tôi không đồng tình với những ý kiến cho rằng nên bỏ quy định lao động nữ (LĐN) được nghỉ 30 phút trong ngày hành kinh vì cho rằng không khả thi. Xã hội đang đề cao vấn đề bình đẳng giới và chúng ta đã phải đấu tranh để có được quyền lợi này cho chị em thì không nên bỏ, nếu thực tế khó thực hiện sắp xếp thời gian nghỉ thì chúng ta nên kiến nghị để có hình thức hỗ trợ khác" - bà Hạp Thị Thanh (cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM) nêu ý kiến tại hội nghị góp ý về nội dung liên quan đến LĐN trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do LĐLĐ TP HCM tổ chức sáng 20-6.
Không thể nói bỏ là bỏ
Nhiều cán bộ Công đoàn (CĐ) cũng đồng tình với cách đặt vấn đề của bà Thanh. Bà Dương Thị Bích Huệ, cán bộ CĐ ĐHQG TP HCM, cho rằng đúng là trong thực tế, việc sắp xếp giờ nghỉ cho LĐN trong thời gian hành kinh là rất khó bởi đây là chuyện tế nhị, không ai lại đi báo với ban lãnh đạo để xin được nghỉ 30 phút. "Tuy nhiên, đây là quyền lợi cũng là để bảo đảm sức khỏe của LĐN. Tôi cho rằng tốt nhất vẫn là chị em cần tranh thủ quyền lợi của mình, nếu không thể thực hiện được thì nên chăng doanh nghiệp (DN) có thể quy giờ nghỉ đó thành tiền hoặc hiện vật như sữa, thuốc bổ sắt hoặc giờ nghỉ ngơi trong tháng sao cho hợp lý" - chị Huệ nêu.
Lao động nữ tại Công ty TNHH Điện Cơ Solen Việt Nam được quan tâm, chăm lo đúng mức
Bà Vũ Thị Son, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Điện Cơ Solen Việt Nam, cho rằng quan trọng là cách DN làm thế nào để bảo đảm quyền lợi cho người lao động (NLĐ). Bà Son cho biết dù là một trong những đơn vị sử dụng đông LĐN nhưng việc sắp xếp cho NLĐ nghỉ tại đơn vị trong khoảng thời gian hành kinh không gặp khó khăn. "Mỗi LĐN ở công ty được nghỉ 30 phút/ngày trong 3 ngày hành kinh. NLĐ chỉ cần đưa đơn cho tổ trưởng là được. Đây là quyền lợi của NLĐ, không thể nói bỏ là bỏ được" - bà Son cho biết.
Một quy định khác cũng về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nữ công nhân (CN) là bảo đảm có đủ phòng tắm và phòng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc. Các đại biểu cho rằng với quy định này, ngoài việc bố trí phòng tắm thì phải có nước sạch cho NLĐ. Thực tế, nhiều nơi có nhà vệ sinh, có phòng tắm nhưng không bảo đảm được nước sạch thì sẽ ảnh hưởng đến NLĐ, nhất là LĐN.
Tăng phép năm cho lao động nữ nuôi con nhỏ
Vấn đề việc làm cho LĐN đang mang thai và nuôi con nhỏ cũng là một trong những vấn đề "nóng" được các cán bộ CĐ tập trung thảo luận, góp ý kiến.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Nidec Việt Nam, cho biết Bộ Luật Lao động hiện hành quy định LĐN làm công việc nặng nhọc mang thai từ tháng thứ 7 thì được chuyển qua làm công việc nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, chứng kiến cảnh LĐN mang thai 5-6 tháng vẫn phải vác bụng bầu đi làm ca đêm hay đứng suốt nhiều giờ hết sức vất vả, ông Hồng cảm thấy ái ngại. "Vấn đề sức khỏe LĐN trong thời gian mang thai rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến con cái về sau. Vì vậy, đề nghị dự thảo luật nên tính đến phương án thay đổi công việc khi LĐN mang thai được 5 hoặc 6 tháng để bảo đảm sức khỏe cho họ" - ông Hồng đề xuất.
Liên quan đến vấn đề sắp xếp công việc cho LĐN mang thai và nuôi con nhỏ, bà Tô Thị Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 6, cho biết một trong những vấn đề mà hầu hết phụ nữ quan tâm là nỗi lo mất việc làm sau thời gian nghỉ thai sản. "Trong thực tế có rất nhiều chị em phải nghỉ việc sau thời gian nghỉ thai sản, phần vì hết hạn hợp đồng lao động, phần vì không gửi được con cho ai chăm sóc. Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ nhưng không vì vậy mà ảnh hưởng quá nhiều đến công việc. Nếu mất việc làm khi con còn chưa đủ 12 tháng tuổi sẽ là một gánh nặng rất lớn. Vì vậy, tôi nghĩ nên có quy định về gia hạn hợp đồng với LĐN nuôi con dưới 12 tháng tuổi" - bà Thủy kiến nghị.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất nên tăng 1 đến 2 ngày nghỉ phép, nhất là với LĐN nuôi con dưới 36 tháng tuổi, để họ có điều kiện lo cho con khi ốm đau hoặc đến thời gian chích ngừa, bởi việc chích ngừa chỉ diễn ra trong giờ hành chính.
Hỗ trợ DN xây nhà trẻ
Luật có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ cho NLĐ. Thế nhưng, thời gian qua, gửi trẻ luôn là nỗi lo lắng của số đông CN bởi rất ít DN thực hiện được quy định này. Việc luật quy định chung chung và không có cơ chế hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước khiến nhà trẻ cho con CN vẫn nằm trên giấy. "Đây là một ràng buộc rất khó với DN, cần có quy định cụ thể. Ví dụ DN sử dụng bao nhiêu lao động thì phải có trách nhiệm xây nhà trẻ hoặc lớp mẫu giáo, nếu không xây thì mức chi phí hỗ trợ NLĐ là bao nhiêu, được xây dựng trên cơ sở nào. Có như vậy, DN mới dễ thực hiện và NLĐ mới được hưởng quyền lợi" - bà Dương Thị Bích Huệ nhấn mạnh.
Bình luận (0)