Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM vừa tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Hơn 50 đại biểu đến từ các sở, ngành TP đã tập trung góp ý xoay quanh các vấn đề như mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) tại cơ sở, thời gian nghỉ Tết âm lịch, bổ sung 1 ngày nghỉ lễ 27-7 và thời gian làm việc của công chức, viên chức...
Không công nhân nào có thể làm đến tuổi nghỉ hưu
Về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo, ông Trần Hảo Trí, Phó trưởng Phòng Lao động Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM, bày tỏ lo lắng: Hiện nay, khó có công nhân (CN) nào có thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu (nam 60 và nữ 55 tuổi). Trước đây đã rộ lên tình trạng CN đua nhau xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp BHXH một lần, vì họ cho rằng trong thời gian chờ đủ tuổi hưởng lương hưu nếu đem số tiền đã đóng BHXH gửi tiết kiệm sẽ có lợi hơn để trong Quỹ BHXH. Như vậy, nếu tiếp tục tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo đề xuất thì tình trạng trên sẽ tái diễn. Sau nhiều năm đóng BHXH, đến lúc sắp được hưởng chế độ thì chính sách thay đổi, điều này khiến NLĐ có suy nghĩ là cơ quan BHXH đã phá vỡ cam kết về đóng - hưởng ban đầu giữa 2 bên. Vậy làm sao NLĐ dám đặt niềm tin vào chính sách BHXH? Từ trăn trở ấy, ông Trí đề xuất chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với những người bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2021, không nên hồi tố với những người đã tham gia BHXH trước thời điểm áp dụng quy định mới.
Cần tiếp tục khảo sát, đánh giá tác động và lắng nghe ý kiến người lao động trước khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu
Theo ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, phương án 1 (từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng lao động còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ) khả thi hơn vì có lộ trình tăng chậm, tránh gây sốc cho thị trường lao động. Tuy nhiên, đối với một số đối tượng cần được ưu tiên như CN trực tiếp sản xuất, giáo viên mầm non, tiểu học… cần tiếp tục khảo sát đánh giá tác động; cân nhắc đến các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề, tình hình việc làm của lao động trẻ, sức khỏe của NLĐ và lắng nghe ý kiến trực tiếp từ họ để có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có chính sách hỗ trợ linh hoạt để không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Tiền lương - Tiền công - BHXH Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cũng cho rằng phương án 1 có ưu điểm hơn. Tuy vậy, khi nâng trần tuổi hưu lên 60 và 62 sẽ có nhiều lao động ở các ngành nghề thâm dụng lao động không thể làm việc đến độ tuổi này mà phải rời bỏ "cuộc chơi" từ sớm, trong khi số thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm nên không được hưởng chế độ hưu trí. Vì lẽ đó, cần sửa đổi điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí xuống còn 15 năm hoặc 10 năm để NLĐ được hưởng lương hưu. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 28/TW về cải cách chính sách BHXH.
Để công nhân có thời gian nghỉ ngơi
Đề cập vấn đề mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, ông Nguyễn Tất Năm tỏ ý không đồng tình. Bởi lẽ, trong tờ trình của dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi có viện dẫn về giờ làm việc và năng suất lao động. Cụ thể, các nước có năng suất lao động càng cao thì số giờ làm việc của NLĐ càng thấp; các nước có năng suất càng thấp thì số giờ làm việc của NLĐ càng cao. Như vậy, Việt Nam theo giờ làm việc tiêu chuẩn bình thường đã là 2.496 giờ, nay lại tăng thêm tối đa 400 giờ (tổng cộng 2.896 giờ, cao hơn 100 giờ so với quy định hiện hành), phải chăng đây là cách duy nhất để tăng năng suất lao động? Dự thảo cũng viện dẫn căn cứ theo quy định của Bộ tiêu chuẩn SA8000 (tiêu chuẩn các nhãn hàng và người mua hàng về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (DN) là mỗi tuần NLĐ làm việc 48 giờ tiêu chuẩn + 12 giờ làm thêm hoặc làm thêm 48 giờ/tháng). Vậy việc sửa đổi luật nhất thiết phải tuân theo tiêu chuẩn này? "Trong thực tế, có một bộ phận NLĐ do thu nhập thấp nên cần làm thêm giờ để trang trải cuộc sống. Việc mở rộng giờ làm thêm sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế trên. Tuy nhiên, qua khảo sát tại các KCN, khu nhà trọ, nếu làm thêm giờ kiểu như vậy thì sau giờ làm thêm, NLĐ chỉ có ngủ và ngủ. Vì vậy, ban soạn thảo cũng cần cân nhắc về tác động của việc tăng giờ làm thêm, xem nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, an toàn lao động và các thụ hưởng văn hóa tinh thần của NLĐ cũng như những hệ lụy khác về mặt xã hội khi họ phải thường xuyên làm thêm giờ để có thu nhập và năng suất lao động cao hơn" - ông Năm bày tỏ.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, chỉ đồng ý xem xét mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ (từ tối đa 300 giờ lên 400 giờ) như dự thảo đề xuất khi việc chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ được tính theo lũy tiến. Việc chi trả theo lũy tiến vừa bảo đảm quyền lợi cho NLĐ vừa góp phần khắc khục tình trạng DN không tuyển dụng thêm lao động mà tận dụng NLĐ làm thêm để vắt kiệt sức lao động của họ. "Có ý kiến cho rằng quy định trả lương làm thêm giờ theo lũy tiến gây khó khăn cho DN trong việc tính toán. Tuy nhiên, với việc ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm kế toán mà DN đang sử dụng thì việc tính lương cho NLĐ không phải là khó" - ông Triều khẳng định.
55 tuổi mới được hưởng chế độ hưu là quá dài
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Trưởng Phòng Quản lý Thu BHXH TP HCM, cho rằng theo dự thảo, độ tuổi nghỉ hưu của NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt cũng được nâng lên (nữ 55 tuổi, nam 57 tuổi). Với lao động nam, thời gian nâng 2 năm còn chấp nhận được nhưng đối với nữ, thời gian tăng 5 năm là quá dài. Cho nên cần đánh giá cơ cấu, độ tuổi, công việc thực tế của NLĐ để xác định độ tuổi nghỉ hưu thích hợp cho đối tượng này.
Bình luận (0)