Trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Quốc hội lần này, tôi đặc biệt quan tâm vấn đề mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa (400 giờ/năm).
Theo tôi, phương án này là không ổn bởi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, năng suất lao động tăng lên nên số giờ làm của người lao động (NLĐ) ngày càng phải giảm xuống, việc tăng giờ làm thêm là không hợp lý.
Tăng giờ làm thêm sẽ khiến sức khỏe người lao động suy kiệt. Ảnh: TRỰC NGÔN
Ai cũng biết NLĐ muốn làm thêm giờ để cải thiện thu nhập nên cần nhìn nhận sòng phẳng rằng việc tăng số giờ làm thêm gây nhiều nguy cơ về sức khỏe cho NLĐ vì điều kiện sống, thu nhập của NLĐ hiện nay chưa cao.
Khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm cũng phải xem xét nhiều yếu tố. Đầu tiên là chính sách việc làm. Theo thống kê, cả nước hiện có hàng trăm ngàn thanh niên thất nghiệp, nếu cho phép tăng giờ làm thêm sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp có tâm lý không chịu tuyển dụng lao động mới mà ép NLĐ tăng ca quá mức, dẫn đến tình trạng số lao động đang thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp.
Tăng thời gian làm thêm giờ không phải là một giải pháp dài hạn để tăng cường sản xuất. Thời gian làm việc dài trong một tuần thường đi kèm tình trạng mệt mỏi, dẫn tới các vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó, làm thêm giờ quá cao cũng khiến NLĐ đối diện nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ tai nạn lao động. Thời gian làm việc dài cũng đi kèm với tình trạng mất cân bằng cuộc sống, công việc và làm tăng mâu thuẫn cuộc sống, công việc.
Từ những lý do trên, tôi đề nghị Ban Soạn thảo nên cân nhắc với đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm.
Bình luận (0)