Gần 20 giờ, chị Đoàn Thị Mỹ Phương, công nhân (CN) Công ty CP Quạt Việt Nam - KCN Vĩnh Lộc, mới về tới nhà trọ trên đường Võ Văn Vân (huyện Bình Chánh, TP HCM) sau giờ tan ca. Về đến nhà, chỉ kịp tắm rửa, nghỉ ngơi ít phút, chị lại tiếp tục công việc làm thêm là may gối.
Tăng tốc mùa Tết
Trong căn phòng nhỏ, vải vóc, nguyên liệu làm gối được bày biện khắp nơi, chị và mẹ chồng thoăn thoắt thao tác trên máy may để hoàn thành những chiếc vỏ gối trong khi chồng và em trai thì đo, cắt vải và nhồi bông… Cứ như vậy, cả nhà làm việc đến tận khuya. Với mỗi chiếc gối, 4 mẹ con kiếm được từ 15.000 đến 20.000 đồng. Chị Phương cho biết thu nhập kiếm thêm dù chưa tới 1 triệu đồng/tháng nhưng cũng đỡ được nhiều khoản chi tiêu trong gia đình. Trước đây, công ty không tăng ca, thu nhập thấp nên vợ chồng chị phải bươn chải để kiếm thêm, khi thì nhận hàng về cắt chỉ, khi thì thu mua bọc ni-lông về bán lại… Mấy tháng nay, cả nhà học làm gối bán nên tình hình có khá hơn.
Đối với gần 200 CN Công ty CP Nhựa Trường Thịnh (KCN Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM), càng gần Tết lại càng có nhiều nỗi lo. Tình hình nợ lương, nợ BHXH của công ty vẫn chưa thể khắc phục, phần lớn CN phải tìm công việc mới để lo toan cho cuộc sống. Sau khi cả 3 mẹ con đều thất nghiệp vì công ty gặp khó khăn, mẹ anh lớn tuổi không tìm được việc, còn người em trai bị tai nạn giao thông phải ở nhà, anh Võ Thanh Sang trở thành lao động chính trong gia đình 5 người. May mắn tìm được việc làm mới tại cơ sở dệt may tư nhân nhưng vì chưa chốt sổ BHXH nên anh chỉ mới ký hợp đồng thời vụ. Nặng gánh gia đình nên anh chẳng nề hà việc gì, miễn là có thêm thu nhập. Anh xin tăng ca, có CN nào nghỉ phép hay bận chuyện gia đình, anh lại choàng gánh phần việc của người đó, thời gian rảnh ai kêu gì anh làm nấy… “Còn nợ 3 tháng tiền nhà nên Tết này, mấy mẹ con ráng ở lại kiếm tiền trả nợ. Với gia đình tôi hiện nay, Tết chỉ cần đơn giản, có mẹ, có con, gia đình sum vầy là được” - anh Sang bộc bạch.
Tranh thủ làm thêm
Tan ca chiều thứ bảy, chị Nguyễn Ngọc Thu, CN Công ty Palace - KCX Tân Thuận, không về nhà mà ghé qua một tiệm may ở đường Bùi Văn Ba (quận 7, TP HCM) để làm thêm. Cũng như Thu, rất nhiều CN ở KCX Tân Thuận tranh thủ ngày nghỉ, thời gian rảnh để làm thêm cho tiệm may. Thu kể: “Gần Tết, khách may đồ rất đông nên tiệm cần nhiều người ráp đồ. Do có nghề nên việc đó với tôi rất đơn giản”. Tùy độ khó dễ của quần, áo, váy, Thu được lãnh tiền công vài chục ngàn đồng/cái. Quê Thu ở Thanh Hóa, Tết này cô không về. “Thời buổi kiếm tiền khó khăn nên phải cố gắng gom góp ít tiền gửi về quê cho bố mẹ ăn Tết, mua sắm ít quần áo ấm cho mấy đứa em” - Thu tâm sự.
Đến xóm trọ ở đường số 4, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM, chúng tôi gặp chị Cao Thị Nhàn, CN Công ty Freetrend (KCX Linh Trung 1). Chủ nhật là ngày chị Nhàn bận túi bụi cho tiệm làm tóc tại phòng trọ của mình. Làm CN hơn 10 năm, thu nhập vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống, Nhàn học thêm nghề uốn cắt tóc, trang điểm. Chị khoe: “Tôi lấy giá khá mềm, lại vui vẻ và phục vụ nhiệt tình nên nhiều chị em ở nhà trọ và các khu vực lân cận hay tìm đến. Công việc làm thêm này chủ yếu vào buổi tối và chủ nhật để kiếm thêm vài trăm ngàn mỗi tháng đóng tiền nhà trọ, tiền điện, nước. Gần Tết, tôi nhận làm nhiều hơn để kiếm thêm tiền về quê sum họp với gia đình”.
Tìm mọi cách để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nỗ lực ấy của những công nhân ngoại tỉnh rất đáng trân trọng. LĐLĐ TP lưu ý Công đoàn các cấp phải tập trung rà soát kỹ các trường hợp khó khăn để có chính sách hỗ trợ thiết thực nhất.
Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM
Bình luận (0)