Lương tối thiểu (LTT) vùng đã không được điều chỉnh hơn 2 năm qua nhưng với sự thiện chí và tấm lòng luôn hướng về người lao động (NLĐ), nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động tăng lương, bổ sung phúc lợi để chia sẻ gánh nặng với NLĐ. Đó cũng là cách DN ổn định nguồn nhân lực trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch.
Tăng phúc lợi
Tại Công ty TNHH TM-SX Dây và Cáp điện Đại Long (huyện Bình Chánh, TP HCM), lương bình quân của NLĐ cao hơn nhiều so với LTT vùng theo quy định. Hằng năm, công ty sẽ điều chỉnh lương cho NLĐ vào dịp cuối tháng 4 nhưng năm nay, do gặp khó khăn nên công ty tạm thời hoãn lại. Để chia sẻ khó khăn với NLĐ khi giá cả tăng cao, công ty đã quyết định nâng giá trị bữa ăn giữa ca từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/suất.
Ngoài bữa ăn giữa ca, NLĐ được phục vụ bữa ăn chiều có giá trị tương đương. Riêng CN làm ca đêm còn có thêm khoản phụ cấp ăn đêm 40.000 đồng/người. Khẩu phần ăn của CN có đủ món mặn, canh, xào, tráng miệng và thường xuyên đổi món theo yêu cầu của NLĐ. CN Nguyễn Thành Chương chia sẻ: "Được ăn 2 bữa chính tại công ty mỗi ngày tôi chỉ tốn tiền cho bữa sáng. Dùng bữa tại công ty, ngoài tiết kiệm thời gian nấu nướng, chi phí mua thực phẩm, tiền gas, điện... chúng tôi không phải canh cánh nỗi lo tăng giá. Vậy nên, đối với tôi, hình thức chăm lo này rất thiết thực".
Tại Công ty CP GonSa (chuyên dịch vụ dược phẩm, quận 8), ngoài bảo đảm việc làm và thu nhập, ban giám đốc cũng đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về sức khỏe và dinh dưỡng cho NLĐ. Thực tế, bên cạnh việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, công ty còn mua bảo hiểm sức khỏe cho NLĐ. Suốt 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 và đến nay, DN vẫn duy trì chính sách hỗ trợ NLĐ phục hồi sức khỏe hậu Covid-19, như tặng thực phẩm chức năng bổ sung axít amin để nâng cao thể trạng và tăng cường miễn dịch.
Ban giám đốc và Công đoàn cũng thiết kế nhiều chương trình nghỉ dưỡng để NLĐ tái tạo sức lao động. Mới đây, DN đã tổ chức 3 tour du lịch cho NLĐ tại Phú Quốc, Đà Lạt và Đắk Lắk. Mỗi đợt kéo dài 3 ngày 2 đêm với nhiều hoạt động như tham quan các điểm du lịch, tiệc Gala diner kết hợp tuyên dương các gương lao động giỏi... tạo được hứng khởi cho NLĐ sau thời gian dài chống dịch.
Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động tại Công ty CP Gonsa. Ảnh: NGA HOÀNG
Chăm sóc thực tâm
Hiểu được khó khăn, vất vả của NLĐ do dịch gây ra, chưa kể LTT vùng hơn 2 năm không được điều chỉnh, nhiều DN đã chủ động tăng lương cho họ, xem đó là cách hỗ trợ thiết thực nhất.
Là đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng thời gian qua, ban giám đốc Công ty TNHH May thêu Hà Giang (quận Gò Vấp, TP HCM) vẫn cố gắng duy trì các khoản phụ cấp cho NLĐ. Công ty tạo điều kiện cho CN có hoàn cảnh neo đơn được mang nguyên liệu về làm tại nhà mà vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ như những trường hợp đi làm. Điều đáng quý ở đơn vị này là từ năm 2020 đến nay là năm nào công ty cũng xét tăng lương cho NLĐ khiến họ cảm thấy ấm lòng.
Trong năm 2022, từ đề xuất của ban chấp hành Công đoàn, công ty đã điều chỉnh nhiều chính sách phúc lợi cho hơn 100 NLĐ như tăng tiền hỗ trợ đối với sản phẩm gia công tại nhà; nâng tiền cơm trưa từ 21.000 đồng lên 24.000 đồng/suất/người... Trong tháng 5, công ty đã quyết định tăng 5% đơn giá tiền công, riêng các công đoạn phát sinh được thêm 6%. NLĐ tại các bộ phận làm việc theo giờ được tăng 10% lương.
Ngoài ra, Công đoàn công ty cũng phối hợp Trung tâm Y khoa Mic và Công ty CP Dược phẩm Vita Signature tư vấn và tầm soát sức khỏe hậu Covid-19 cho toàn bộ NLĐ. Ông Trần Vinh Phùng, Giám đốc công ty, nhấn mạnh: "Chính NLĐ đã góp phần xậy dựng tên tuổi DN, vì vậy dù khó đến mấy chúng tôi vẫn cố gắng chăm sóc tốt nhất cho họ. Chúng tôi mong mỏi nhà nước sớm điều chỉnh LTT để CN bớt khó khăn".
Tương tự, dù hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn nhưng Công ty CP In số 4 (KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) vẫn duy trì xét nâng lương cho NLĐ hằng năm. Ông Trần Văn Nhanh, Phó Tổng Giám đốc công ty, cho biết 2 năm qua, do tác động của dịch bệnh, cuộc sống NLĐ rất khó khăn, nhất là thời điểm này, khi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng. Vì vậy, việc chăm sóc chu đáo cho họ là điều DN nên làm.
Đó là lý do DN duy trì chính sách tăng lương hằng năm và sẵn sàng ủng hộ việc điều chỉnh tiền LTT vùng cho NLĐ từ ngày 1-7-2022. Hiện thu nhập bình quân của NLĐ tại công ty đạt 12,5 triệu đồng/người/tháng. Mức lương thấp nhất của CN mới vào công ty làm việc là 7,4 triệu đồng/tháng, chưa kể 1,35 triệu đồng/tháng phụ cấp tiền xăng xe.
Dù mức lương của NLĐ tại công ty cao hơn so với mức LTT vùng nhưng chúng tôi vẫn ủng hộ tăng LTT vùng. Được tăng LTT, NLĐ sẽ có thêm động lực làm việc, cống hiến nhiều hơn cho DN".
Ông TRẦN VĂN NHANH, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP In số 4
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-6
Bình luận (0)