Sau một thời gian như vậy, họ không còn đủ nhanh nhẹn để làm việc và đứng trước nguy cơ bị cho nghỉ việc.
Mệt mỏi vô cùng!
Chị Bùi Thị Mai (SN 1995) làm công nhân (CN) trong KCN Bảo Minh (Nam Định) đến nay cũng được gần hai năm. Chị cho biết, thời gian đầu vào làm việc, chị thấy các quy định của công ty cũng bình thường, trong tầm chịu đựng của chị.
"Nhưng dần dần, khi tôi đã quen với công việc, công ty bắt đầu tăng ca, lúc đầu là 9 tiếng/ngày, rồi tăng lên 12 tiếng/ngày trong tất cả các ngày trong tuần. Chúng tôi thấy mệt mỏi vô cùng. Sáng chưa kịp tỉnh ngủ đã phải nhanh chóng đi làm, rồi tối muộn mới được về nhà. Lúc ấy chả còn thiết tha gì vì quá mệt nên ngủ luôn" - chị ngao ngán nói.
Nhiều CNLĐ đang gặp những bức xúc do điều kiện làm việc quá khắt khe. Ảnh minh họa: Nguyễn Nga
Chị cho biết thêm, nếu chỉ tăng ca, mệt một chút cũng không sao, nhưng những nội quy trong công ty thường khá nghiêm ngặt: Nào là đi vệ sinh cũng giới hạn thời gian, giới hạn số lần đi trong ngày; đi uống nước cũng bị nhìn với ánh mắt dò xét; thỉnh thoảng còn nhận được những lời nói bóng gió của người quản lý. "Nhiều lúc tôi thực sự mệt mỏi, không biết sẽ trụ lại được bao lâu trong khi làm thì nhiều, lại không được thoải mái làm việc" - chị Mai chia sẻ.
Còn chị Vũ Thị Son (SN 1989, đang làm việc tại KCN Hòa Xá, Nam Định) cho biết, chị đã làm công nhân được 10 năm, áp lực có, tăng ca có, mệt mỏi cũng có. "Tôi làm may, đặc thù công việc là cả ngày ngồi một chỗ, rất bất tiện và đau người. Muốn đứng lên quay người, xoay vai cũng sợ, sợ bị quản lý nhìn thấy, nhắc nhở, rồi cái nhìn như con dao sắc lẹm ám ảnh tôi" - chị Son kể. Thậm chí, khi đi uống nước, công nhân cũng có thể bị mắng nếu uống nhiều; hay là đi vệ sinh lắm.
Bên cạnh đó, thời gian ăn thì ít, nghỉ ngơi cũng không nhiều. Chị Son cũng cho biết, nếu có việc phải báo trước 3 ngày để quản lý sắp xếp nhân sự, nhưng có công việc đột xuất mà không thể nào đi làm được, báo nghỉ ngay thì sẽ bị mắng như tát nước rồi cả năm không còn được xét thi đua, bị cắt thưởng. "Việc siết chặt thời gian nghỉ, tăng thời gian làm việc cũng khiến chúng tôi mệt mỏi, áp lực. Vì nghĩ đến thời gian làm việc của tôi đã khá lâu trong công ty nên tôi cố gắng chịu. Còn nhiều bạn trẻ mới vào, họ không chịu nổi nhiệt nên nghỉ việc ngay sau đó. Tôi nghĩ rằng, đi làm dĩ nhiên chúng tôi sẽ hết lòng vì công việc, vì làm nhiều, ra sản phẩm chúng tôi lương mới cao được. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) cũng không cần quá khắt khe trong vấn đề đưa ra nội quy ngay từ đi vệ sinh hay số lần uống nước/ngày. Có như thế chúng tôi mới thoải mái trong môi trường làm việc, năng suất lao động sẽ cao" - chị Son đề xuất.
50% số công nhân lao động bất bình trong công việc và cuộc sống
Theo kết quả điều tra về thu nhập, đời sống của CNLĐ trong các DN năm 2017 do Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) tiến hành, có khoảng 50% số CN hiện nay gặp nhiều khó khăn, bất bình trong công việc và trong cuộc sống.
Cụ thể, mặc dù điều kiện lao động, môi trường làm việc đã được cải thiện trong những năm qua, nhưng nhiều DN vẫn tồn tại hàng loạt vấn đề về điều kiện lao động chưa được khắc phục. Có 32,5% số CN thường xuyên có những bức xúc liên quan đến nơi làm việc; trong đó khá cao là các DN điện - điện tử (41%); chế biến - chế tạo (38,8%)…
Các bức xúc tập trung vào các vấn đề do phải làm việc quá mệt mỏi, căng thẳng, vướng mắc quyền lợi không được giải quyết, thiếu đảm bảo ATVSLĐ trong khi tiền lương - phúc lợi thấp so với công sức bỏ ra, làm cho họ càng trở nên bất bình, có lối sống và suy nghĩ tiêu cực.
Cũng qua khảo sát này, kết hợp ý kiến CN phản ánh cho thấy, hiện tồn tại hàng loạt vấn đề lớn chưa được DN và các cấp, các ngành giải quyết là: Tiền lương và thu nhập thấp; thời giờ làm việc căng thẳng, không có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức lực; nhà ở thuê, ở trọ; cơ sở nuôi dạy trẻ; nơi sinh hoạt giải trí, văn hóa lành mạnh; chế độ BHXH, BHYT.
Còn theo nghiên cứu "Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với NLĐ di cư trong tiếp cận an sinh xã hội tại Việt Nam" do Oxfam tiến hành năm 2015, phỏng vấn hơn 400 lao động di cư trong ngành may mặc và điện tử tại 4 tỉnh, thành cho thấy: Môi trường làm việc, điều kiện làm việc khắt khe tại các công ty gây ức chế đối với NLĐ như các quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân, uống nước, nghỉ ốm và các chế tài nếu vi phạm. Sau một thời gian làm việc với áp lực cao như vậy, NLĐ không còn đủ sức khỏe và sự nhanh nhẹn để tiếp tục công việc này và đó là lúc mà họ đứng trước nguy cơ bị cho nghỉ việc.
Một CN chia sẻ với đoàn khảo sát một ngày của mình như sau: Mỗi ngày thường làm việc 8 tiếng, chủ nhật cũng vậy. Nếu làm bình thường thì 17h tan làm; làm tăng ca thì 20h tan làm, nhưng còn bắt xe và di chuyển. Về đến nhà cũng là 21h. Sau đó còn ăn uống, tắm giặt và đi ngủ cũng là 23h. Hôm sau tầm khoảng 5h45 phút đã phải bắt xe đến công ty. Khi có nhiều việc, công ty thường ép CN làm tăng ca, thêm giờ, kể cả vào ngày chủ nhật.
Nghiên cứu cũng đưa ra các ý kiến đánh giá môi trường làm việc của NLĐ di cư. Theo đó, các ý kiến bức xúc của NLĐ lần lượt là: Các quy định về thời gian làm việc quá khắt khe chiếm 40,4%; quản lý, kiểm soát chặt chẽ trong thời gian làm việc (39,1%); các quy định về nghỉ ốm khắt khe (28,9%); quản lý chặt chẽ về thời gian vệ sinh cá nhân, uống nước (22,1%).
Bình luận (0)