xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chỗ dựa vững chắc

NGA HOÀNG - MAI CHI

Sự hỗ trợ kịp thời của tổ chức Công đoàn đã giúp người lao động nhận lại quyền lợi và ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp

Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất - kinh doanh và quan hệ lao động tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM, nhất là ngay trước dịp Tết Nguyên đán. Nhiều vụ lãn công, ngừng việc tập thể liên quan các vấn đề về quyền và lợi ích của người lao động (NLĐ) như đơn giá sản phẩm, tiền lương, thưởng Tết, thụ hưởng các gói hỗ trợ của nhà nước… đã diễn ra. Trong bối cảnh ấy, đội ngũ cán bộ Công đoàn TP HCM đã ngày đêm đeo bám từng sự việc, tham gia thương lượng, đàm phán với chủ DN hoặc tác động với các ban, ngành liên quan để giúp NLĐ được hưởng quyền lợi chính đáng.

Giúp người lao động có Tết

Sáng 29-1 (27 tháng chạp), tổ tư vấn pháp luật của LĐLĐ quận 8, TP HCM liên tục nhận được nhiều cuộc gọi cầu cứu từ tập thể lao động của Công ty TNHH T.K (chuyên gia công các sản phẩm nhôm, kính), do không nhận được thông báo thời gian thưởng Tết. NLĐ càng lo lắng hơn khi không thể liên lạc với giám đốc công ty.

Nhận được thông tin, các cán bộ Công đoàn quận 8 rất bất ngờ bởi trước đó, khi LĐLĐ quận khảo sát vấn đề lương, thưởng Tết, chủ DN này đã cam kết dù khó khăn cũng sẽ hỗ trợ NLĐ ít nhất 1 triệu đồng/người. Bà Đoàn Ngọc Diễm Lan, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 8, cho biết Công ty T.K đăng ký kinh doanh ở quận này nhưng nhà máy đặt tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Năm 2021, DN bị khủng hoảng do dịch bệnh, có thời gian tạm ngưng sản xuất, đơn hàng sụt giảm nên việc thưởng Tết cho NLĐ là rất khó. Chủ DN đã cam kết với LĐLĐ quận hỗ trợ cho NLĐ nhưng trên thực tế lại không thông tin đến họ dù đã là ngày làm việc cuối trước khi nghỉ Tết.

Chỗ dựa vững chắc - Ảnh 1.

Ông Trương Công Hồ - Chủ tịch LĐLĐ quận 8, TP HCM - tặng quà cho công nhân bị giảm thu nhập, không có thưởng Tết do dịch Covid-19 .Ảnh: THANH NGA

Không để công nhân (CN) thất vọng, LĐLĐ quận 8 lập tức liên hệ với các thành viên ban giám đốc Công ty T.K để thương lượng đồng thời thông tin đến Công đoàn các KCX-KCN tỉnh Long An để phối hợp giải quyết. Nhờ sự phối hợp kịp thời giữa 2 Công đoàn cấp trên, chiều tối cùng ngày, công ty đã chi hỗ trợ Tết cho mỗi CN 2 triệu đồng.

Không riêng sự việc tại Công ty T.K, bà Lan cho biết dịch bệnh còn làm phát sinh nhiều vấn đề, dẫn đến tranh chấp lao động trước Tết. Tiêu biểu là việc hơn 800 CN Công ty TNHH Q.V (phường 16, quận 8) ngừng việc vào chiều 12-1.

Do ảnh hưởng dịch bệnh, Công ty Q.V có thời gian ngừng sản xuất dẫn đến khó khăn, việc thưởng Tết cho CN cũng thấp hơn mọi năm. Trong khi đó, đến cận Tết, NLĐ chưa được hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ mà phía DN không giải thích rõ nguyên nhân. Nhận được thông tin, LĐLĐ quận 8 đã tham mưu với quận ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ. Nhờ đó, toàn bộ NLĐ đã được nhận trợ cấp trước Tết.

Can thiệp kịp thời

Tranh chấp lao động cũng xảy ra tại Công ty CP G.M Sài Gòn (quận Gò Vấp, TP HCM) từ ngày 10-1 sau khi DN thông báo về chính sách bảo lưu lương tháng 1, 2, 3.

Theo đó, Công ty G.M Sài Gòn đưa ra 3 mức lương là 5,89 triệu, 6,9 triệu và 7,4 triệu đồng ứng với tổng thời gian làm việc trong ngày là 8 giờ, 9 giờ và 9,5 giờ (gồm lương thời gian, lương ngoài giờ, phụ cấp xăng xe, chuyên cần). NLĐ cho rằng theo cách tính này thì thu nhập của họ bị giảm nhiều trong khi công việc vất vả hơn do sản phẩm mới hoàn toàn, dẫn đến vụ ngừng việc tập thể để yêu cầu DN tăng lương với mức 7,4 triệu đồng cho NLĐ làm việc 9 giờ/ngày.

Hay tin, LĐLĐ quận Gò Vấp đã nhanh chóng cùng Tổ công tác liên ngành của quận làm việc với lãnh đạo công ty và đại diện NLĐ. Buổi làm việc đã không đem lại kết quả và NLĐ tiếp tục ngừng việc ngày thứ 2. Lúc này, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò vấp, đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, chia sẻ những khó khăn của NLĐ, đồng thời phân tích cho họ hiểu được cái khó của DN khi cố gắng tìm kiếm đơn hàng mới để bù đắp những đơn hàng bị mất đi do dịch bệnh. Bà Yến cũng động viên NLĐ cố gắng làm việc trong những ngày giáp Tết để hưởng trọn vẹn quyền lợi của mình. Từ đó, NLĐ đã trở lại làm việc.

Tổ công tác liên ngành tiếp tục làm việc với ban giám đốc Công ty G.M Sài Gòn. Kết quả là từ tháng 4, công ty sẽ đàm phán lại đơn giá với đối tác và chi trả thu nhập cho NLĐ làm việc 9 giờ với mức 7,435 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, ngày 17-1-2022, do DN chậm trả lương tháng 12-2021, 85 CN Công ty TNHH T.S (huyện Bình Chánh, TP HCM) đã ngừng việc tập thể. Nhận được thông tin, LĐLĐ huyện đã cử ngay cán bộ xuống DN để phối hợp cùng các đơn vị chức năng nắm tình hình và kịp thời hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Qua tìm hiểu, biết được lý do nợ lương là giám đốc (người Trung Quốc) về nước từ tháng 1-2021 nhưng vì dịch nên chưa sang Việt Nam, tổ công tác đã trao đổi cùng người điều hành công ty để tìm hướng giải quyết tạm thời. Sau buổi làm việc, công ty đã trả đủ lương cho NLĐ và trở lại hoạt động bình thường. 

“Khi xảy ra tranh chấp, NLĐ thường rất bức xúc. Do vậy, cán bộ Công đoàn phải là người có mặt đầu tiên để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, trên cơ sở đó sẽ làm việc, thương lượng với DN và tìm ra hướng giải quyết. Chỉ có vậy, CN mới tin tưởng vào Công đoàn và tổ chức Công đoàn mới củng cố, phát huy vai trò của mình, là điểm tựa vững chắc cho NLĐ” - bà Nguyễn Thị Bạch Yến bày tỏ.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo