Thiết thực kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Công đoàn (CĐ) Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2020), sáng 28-7, LĐLĐ TP HCM và Báo Người Lao Động đã phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề "CĐ TP HCM - tiếp bước truyền thống, hướng tới tương lai". Chương trình có sự tham gia của ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP và ông Phạm Đình Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao kiêm Chủ tịch CĐ Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.
Năng động, sáng tạo, đi đầu
Trò chuyện với đội ngũ cán bộ CĐ tại chương trình, ông Mai Đức Chính nhắc đi nhắc lại niềm tự hào khi được đóng góp một phần công sức vào thành quả chung của phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ TP. "Với tinh thần năng động, sáng tạo, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, hàng chục năm qua, không chỉ thực hiện tốt sứ mệnh đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động (NLĐ), tổ chức CĐ TP còn khởi xướng nhiều chương trình có sức lan tỏa, khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng đoàn viên, CNVC-LĐ" - ông Chính bày tỏ.
Điển hình như những năm TP còn gặp nhiều khó khăn, chính tổ chức CĐ TP đã chủ động thành lập Quỹ Trợ vốn cho NLĐ nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP, tiền thân của Tổ chức Tài chính vi mô CEP) nhằm hỗ trợ vốn cho đoàn viên, CNVC-LĐ làm kinh tế phụ gia đình, từ đó cải thiện thu nhập. Sự ra đời kịp thời và hiệu quả của Quỹ CEP không chỉ giúp CNVC-LĐ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn thoát nghèo một cách bền vững.
Bên cạnh đó, phong trào lao động giỏi - lao động sáng tạo liên tục được các cấp CĐ TP phát động cũng đã động viên đội ngũ, kỹ sư TP phát huy năng lực sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho TP. Các giải thưởng lớn, có uy tín như Giải thưởng Tôn Đức Thắng, Giải thưởng 28-7 do LĐLĐ TP tổ chức nhằm vinh danh đội ngũ kỹ sư, công nhân và cán bộ CĐ tiêu biểu cũng là hình mẫu để CĐ cả nước học tập, nhân rộng.
Tự hào là thế hệ kế thừa, ông Kiều Ngọc Vũ cho biết trong những năm trở lại đây, hoạt động CĐ TP tiếp tục để lại những dấu ấn bằng những chương trình có sức lan tỏa lớn, điển hình là Tháng Công nhân (CN). Tháng CN được khởi xướng từ năm 2009 với nhiều chương trình ý nghĩa như "Gặp gỡ và đối thoại", "Đồng hành cùng doanh nghiệp (DN)", "Giờ thứ 9" được điều chỉnh, bổ sung hằng năm luôn nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và người sử dụng lao động.
"Cá nhân tôi tâm đắc với chương trình "Gặp gỡ đối thoại", bởi qua chương trình, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã lắng nghe và giải quyết tâm tư, nguyện vọng NLĐ. Từ chương trình này, số vụ ngừng việc trên địa bàn TP giảm" - ông Vũ nói. Cũng chính từ hiệu ứng lan tỏa của Tháng CN mà ngày 24-5-2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý chủ trương lấy tháng 5 là Tháng CN.
Buổi tọa đàm ngày 28-7. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tạo sự khác biệt
Theo các khách mời, xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho tổ chức CĐ trong việc tập hợp, vận động NLĐ vào tổ chức, đặc biệt là thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ NLĐ. Do vậy, ngay từ bây giờ, tổ chức CĐ phải chủ động đổi mới để thích ứng với tình hình mới, khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng CNVC-LĐ.
Theo ông Mai Đức Chính, vấn đề thành lập tổ chức của NLĐ bên cạnh CĐ Việt Nam đã được quy định trong Bộ Luật Lao động 2019 và sắp có hiệu lực. Đây là thử thách lớn. Trước đây, tổ chức CĐ chỉ có một mình, khi đất nước hội nhập quốc tế, CĐ phải tham gia vào sân chơi nhiều tổ chức đại diện NLĐ, đòi hỏi CĐ Việt Nam thật sự đổi mới để làm chỗ dựa, niềm tin của NLĐ.
"Trước hết, CĐ cấp trên phải tập trung hướng về cơ sở, quan tâm đến quyền lợi của NLĐ để họ thấy rằng có tổ chức CĐ bảo vệ. Nếu chúng ta không làm tốt, NLĐ sẽ có lựa chọn khác bởi trong DN có nhiều tổ chức đại diện NLĐ thì ai chăm lo, bảo vệ tốt nhất thì họ là đoàn viên của tổ chức đó" - ông Chính phân tích.
Cũng theo ông Mai Đức Chính, ngay từ giờ, CĐ Việt Nam nói chung và TP nói riêng phải tập trung thành lập CĐ cơ sở, phát triển đoàn viên, chăm lo tốt cho đoàn viên để họ thấy được vai trò CĐ. "Trải qua 90 năm, CĐ Việt Nam là tổ chức có truyền thống tốt đẹp, có bề dày lịch sử, nếu thực sự đổi mới, quan tâm đến NLĐ thì họ sẽ tiếp tục ở lại, tiếp tục tham gia với tổ chức CĐ" - ông Chính khẳng định.
Về vấn đề này, ông Kiều Ngọc Vũ nhìn nhận đến hôm nay CĐ Việt Nam đã hình thành 91 năm, CĐ tiếp tục khẳng định là tổ chức đại diện theo Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, CĐ buộc phải thay đổi, sắp xếp lại để hoạt động có hiệu quả hơn, gắn kết với NLĐ, hướng mạnh về cơ sở, đầu tư để cơ sở nâng chất lượng hoạt động, bỏ bớt các hoạt động không thiết thực, đồng thời đối thoại, thương lượng chất lượng hơn, chăm lo nhiều hơn, tốt hơn để tập hợp NLĐ vào tổ chức CĐ.
"Ngoài ra, muốn cạnh tranh, CĐ phải có sự khác biệt. Với bề dày lịch sử, CĐ TP có rất nhiều chất liệu để điều tiết hoạt động, thay đổi phù hợp. Hiện trên địa bàn, CĐ TP có những giải thưởng để vinh danh, cám ơn NLĐ, cám ơn đoàn viên đã có những đóng góp tích cực, điển hình như Giải thưởng Tôn Đức Thắng. Đối với cán bộ CĐ có những hoạt động để khích lệ như gương người cán bộ CĐ của chúng tôi, Giải thưởng 28-7... hay các hoạt động đào tạo tay nghề cho NLĐ để đáp ứng xu hướng hội nhập, việc này rất cần thiết vì ngày càng yêu cầu NLĐ làm việc năng suất cao hơn" - ông Vũ nhận định.
Góp ý các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại DN, ông Mai Đức Chính cho rằng CĐ cơ sở phải chủ động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. "Các điều khoản cần chú ý trong quá trình thương lượng vẫn là lương, thưởng, bữa ăn giữa ca và điều kiện làm việc của NLĐ. Thương lượng tốt không chỉ bảo đảm quyền lợi cơ bản mà còn nâng cao phúc lợi, đời sống NLĐ" - ông Mai Đức Chính lưu ý.
Hướng đến mục tiêu chăm lo tốt hơn để thu hút NLĐ vào CĐ, theo ông Kiều Ngọc Vũ, thời gian qua, LĐLĐ TP đã đầu tư đổi mới hoạt động với 3 phong trào lớn gồm: Phong trào Mùa Xuân (ký thỏa ước lao động tập thể có lợi cho NLĐ); phong trào Vì người thợ (thi đua nước rút bảo đảm việc làm cho CN) và phong trào Bàn tay vàng (hỗ trợ CN tiếp cận máy móc khoa học, công nghệ). Song song đó, LĐLĐ TP đã hướng mạnh hoạt động về cơ sở theo hướng hạn chế những hoạt động không cần thiết và dồn sức chăm lo, bảo vệ đoàn viên - lao động.
Trong quá trình hội nhập, mỗi NLĐ phải ý thức được việc tự học, tự rèn, bám sát thực tiễn đời sống, làm tốt công việc hiện tại, tạo ra cải tiến, những sản phẩm tốt hơn. Còn với phương diện là cán bộ CĐ, với tôi điều quan trọng là phải am hiểu về pháp luật, chế độ chính sách, để giải thích, để bảo vệ NLĐ".
Ông PHẠM ĐÌNH DŨNG
Bình luận (0)