Cả phía đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lẫn phía đại diện cho người lao động (NLĐ) là Tổng LĐLĐ Việt Nam đều bày tỏ sự không hài lòng về phiên thương lượng ngày 5-8. Lúc 16 giờ, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia (gồm đại diện VCCI, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã rời phòng họp. “Hội đồng sẽ họp lại sau 15 ngày để tiếp tục thương lượng về việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết.
Mức tăng ít nhất phải bằng năm ngoái
Ông Mai Đức Chính cho rằng mức tăng lương tối thiểu của năm 2016 ít nhất phải bằng mức tăng của năm 2015. Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là năm nay tăng trưởng chung của nền kinh tế khá hơn năm ngoái vì vậy không thể nói doanh nghiệp (DN) khó khăn hơn.
Tại cuộc họp, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu từ 350.000 đồng đến 550.000 đồng. Cụ thể, vùng I là 550.000 đồng, vùng II là 450.000 đồng, vùng III là 400.000 đồng và vùng IV là 350.000 đồng. Mức tăng khoảng 16,8% so với năm 2015. Tuy nhiên, phía VCCI chỉ đề xuất tăng ở mức 7,2% , tức chỉ từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng so với năm 2015.
Trong phiên họp buổi chiều, cuộc thương lượng giữa hai bên vẫn diễn ra căng thẳng. Phía VCCI đã phải điều chỉnh mức đề xuất tăng lương lên khoảng 10% so với mức đề xuất tăng 7,2% buổi sáng. Tuy nhiên, đề xuất này đã không nhận được sự đồng thuận của các thành viên đến từ Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết việc tăng lương là cần thiết nhưng phải tính đến điều kiện thực tế và khả năng của DN. “Kinh tế có sáng sủa nhưng đó là kinh tế vĩ mô, còn kinh tế DN phải có độ trễ. NLĐ có thể hy vọng, tuy nhiên lộ trình chưa như mong muốn” - ông Phòng nói.
Không có sự đồng thuận vì “chênh” nhau quá lớn
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết hội đồng sẽ họp, thương lượng chọn ra phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016 để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. “Bản thân tôi là chủ tịch hội đồng đã cố gắng điều hành để các bên có cùng quan điểm và con số; từ đó có thể bỏ phiếu thông qua. Tuy nhiên, việc này đã không thể xảy ra. Sau khi hội ý, phía VCCI đề nghị dừng cuộc họp. Trong vòng 15 ngày, bộ phận kỹ thuật của hội đồng sẽ xem xét, phân tích các yếu tố, các căn cứ để xác định phương án cũng như những tác động của tiền lương tối thiểu và việc đóng BHXH của năm 2016” - ông Huân nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Minh Huân cho rằng do đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI “chênh” nhau quá lớn nên đã thất bại trong thương lượng. “Phía Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng đề nghị tăng lương năm 2016 của VCCI là thấp, không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ cũng như không bảo đảm mức tăng bằng năm 2015. Cuộc họp sau chưa biết có thể thông qua hay không” - ông Huân dè dặt nói. Tuy vậy, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng thừa nhận: Các phương án, phân tích cũng như mức đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra hoàn toàn hợp lý.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết nếu qua nhiều lần thương lượng, bỏ phiếu mà không có kết quả thì Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ quyết định và quyết định này sẽ được dùng để trình Chính phủ phương án tăng lương.
Ý KIẾN NGưỜI TRONG CUỘC
Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei (KCX Linh Trung 1, TP HCM):
Phải để công nhân đủ sống
Qua theo dõi các phương tiện truyền thông, tôi biết được Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 16%, còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại đề xuất mức tăng 10%. Là người sâu sát, gần gũi với công nhân (CN), tôi thấy mức tăng thấp nhất 16% là hợp lý. CN ở công ty tôi đang ký hợp đồng với mức lương 3.317.000 đồng/tháng, cộng thêm phụ cấp, được khoảng 4-4,5 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, CN có gia đình, ở nhà trọ thì không thể sống nổi. Để có thêm thu nhập, CN buộc phải tăng ca. Nếu tính luôn tiền tăng ca, tổng thu nhập của CN bình quân khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Với mức này thì vừa đủ đóng tiền nhà trọ, điện, nước, tiền học, tiền sữa cho con và chi tiêu ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, CN không thể nào tích lũy được. Chưa kể, việc tăng ca nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động của CN rất nhiều. Vì thế, để có một lực lượng lao động khỏe mạnh, năng suất cao, tôi nghĩ mức lương nên bảo đảm đủ để CN có thể sống và có tích lũy.
Ông Lê Văn Thịnh, Trưởng Phòng Hành chính Nhân sự Công ty Roussel Vietnam:
Đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam là hợp lý
Tôi có nghe thông tin về việc Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng 16% lương tối thiểu vùng vào năm 2016. Đứng về phía góc độ doanh nghiệp, tôi đồng tình với mức đề xuất này bởi lương tối thiểu vùng hiện tại cao nhất cũng chỉ ở mức 3,1 triệu đồng (vùng I), tăng 16% tức là lương tối thiểu vùng năm sau ở mức xấp xỉ 3,6 triệu đồng/tháng. Dù vậy so với mức sống hiện nay cũng không quá cao, tôi sẽ cố gắng tư vấn, tham mưu cho ban giám đốc để có mức tăng lương phù hợp.
Thực tế tại Công ty Roussel Vietnam, lương tối thiểu của CN chưa qua đào tạo luôn cao hơn mức quy định của nhà nước. Theo tôi, không chỉ lương tối thiểu vùng cần tăng để bảo đảm các nhu cầu sống tối thiểu của CN mà thu nhập để đóng BHXH cho người lao động cũng phải tăng nhằm bảo đảm cuộc sống sau khi họ về hưu.
Ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Domex (KCX Linh Trung 1, TP HCM):
Ủng hộ tăng 16%
Việc Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng 16% lương tối thiểu vùng cho năm 2016, nói thẳng ra thì mức lương 3,6 triệu đồng/tháng cũng chưa đủ sống. Hiện lương tối thiểu tại Công ty TNHH Domex đã là 3,65 triệu đồng/tháng, tương đương mức Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất cho năm sau. Theo tôi biết, nhiều công ty tại KCX Linh Trung cũng đang áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức nhà nước quy định, điều đó cho thấy lương tối thiểu vùng hiện nay vẫn “chênh” so với thực tế.
Ngay từ đầu năm, tôi đã thương lượng với ban giám đốc về việc tăng lương cho CN năm 2016, ban giám đốc cũng đã thống nhất là mức tăng sẽ không dưới 400.000 đồng/tháng. Như vậy, lương tối thiểu của công ty vào năm sau sẽ không dưới 4 triệu đồng/người/tháng. Tôi hy vọng với mức thu nhập tối thiểu ấy, CN có thể “sống được bằng lương”, gắn bó với doanh nghiệp.
Chị Lý Nguyệt Tú, Công nhân Công ty Freetrend A (KCX Linh Trung 2, TP HCM):
Công nhân rất chật vật
Từ Thanh Hóa vào TP HCM làm việc, tôi và nhiều CN khác mong muốn có một công việc ổn định, mức thu nhập khá để tích lũy sau này về quê buôn bán, chăn nuôi. Nhưng nói thật với mức lương hiện nay, CN chúng tôi không sống nổi. Dẫu biết tăng ca là có hại cho sức khỏe nhưng không tăng ca thì tiền đâu đóng tiền nhà, điện, tiền nước, tiền gửi con nhà trẻ, tiền gửi về quê cho bố mẹ? Như ở công ty tôi, mỗi tháng tăng ca cật lực thì thu nhập được hơn 5 triệu đồng/tháng. Tháng nào không tăng ca thì phải cắt khoản này, giảm khoản nọ; trong đó, tiền ăn của cả nhà và tiền sữa cho trẻ con là 2 khoản dễ cắt giảm nhất nhưng tác động xấu nhất. Tôi không biết tăng bao nhiêu phần trăm là vừa nhưng mong các cơ quan có thẩm quyền nên nghĩ đến CN, chọn một mức tăng lương phù hợp để chúng tôi còn sống được, có tiền lo cho con cái ăn học.
M.Chi - H.Đào - T.Nga ghi
Bình luận (0)