Cuộc họp kín của Hội đồng tiền lương quốc gia bắt đầu diễn ra lúc 8 giờ 30 sáng nay 5-8, tại phòng họp 108, trụ sở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) với sự tham dự của 15 thành viên hội đồng gồm các thành viên đại diện cho giới chủ là Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện cho người lao động (NLĐ) là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) và Bộ LĐ-TB-XH.
Cuộc họp dưới sự chủ trì của ông Phạm Minh Huân-Chủ tịch Hội đồng. Báo chí không được tham dự cuộc họp bàn này.
Theo thông tin Báo Người Lao Động có được, tại cuộc họp, Tổng LĐLĐ VN đề xuất tăng lương tối thiểu từ 350 đến 550 ngàn đồng (tương ứng với vùng 4 và vùng 1), tương ứng với mức tăng khoảng 16% so với năm 2015.
Tuy nhiên, phía VCCI chỉ đề xuất mức tăng lương 2016 chỉ vào khoảng 6% ( tăng từ 150.000-250.000 đồng) so với mức đề xuất 16% của Tổng LĐLĐ VN.
Trao đổi trước phiên họp này, một lãnh đạo của VCCI cho biết đã cố gắng đàm phán ở mức tăng phù hợp để có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và NLĐ. Theo vị này, mức lương đó cần đảm bảo để DN tiếp tục sản xuất kinh doanh, vì hiện nay DN đã thay mặt NLĐ đóng rất nhiều khoản chi phí như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trước đó, trao đổi về đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Tổng LĐLĐ VN, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ VN, thành viên Tổ Kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết: Theo báo cáo của các cấp công đoàn, năm 2015, có 85-90% số DN (có cơ sở công đoàn) thuộc diện phải điều chỉnh đã thực hiện. Theo Nghị định 103/2014, tỉ lệ tăng lương tối thiểu bình quân các vùng năm 2015 là 14,3% so với năm 2014, nhưng tỉ lệ tăng tiền lương thực tế tương ứng của NLĐ trong các DN chỉ khoảng 12% và việc tăng lương tối thiểu không gây đột biến về chi phí cho DN.
Qua khảo sát của Tổng ĐLĐ VN tại 60 DN cho thấy, các DN (nhất là các DN FDI có hạch toán từ Công ty mẹ ở nước ngoài) đều cho rằng việc tăng mức lương tối thiểu năm 2015 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sẽ chấp hành nghiêm khi Nhà nước công bố mức lương tối thiểu năm 2016.
Với mức tăng như trên, tuy chưa đáp ứng được kỳ vọng của NLĐ và chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ (năm 2015 mới đáp ứng được 78-83%). Song NLĐ, nhất là ở các DN khu vực tư nhân và FDI được hưởng lợi khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Tiền lương cơ bản tăng giúp họ yên tâm làm việc, góp phần ổn định cuộc sống và tăng năng suất lao động. Tiền lương theo hợp đồng tăng, đồng nghĩa với mức đóng BHXH tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ…
Trước cuộc họp này diễn ra, Tổng LĐLĐ VN đã có đề xuất gửi Hội đồng tiền lương quốc gia, theo đó qua khảo sát của Tổng LĐLĐ VN tại 60 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI có hạch toán từ công ty mẹ ở nước ngoài) đều cho rằng việc tăng mức tiền lương tối thiểu năm 2015 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sẽ chấp hành nghiêm khi Nhà nước công bố mức lương tối thiểu của năm 2016. Vì vậy, TLĐLĐ VN đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 đề xuất tăng từ 350.000-550.000 đồng.
Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân đã không trả lời báo chí sau khi cuộc họp tiến hành giải lao trong sáng nay 5-8.
Trao đổi với Báo Người Lao Động khi giải lao, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, khẳng định hiện vẫn đang thảo luận, chưa thể chốt được. Tuy nhiên, ông Chính cho rằng Tổng LĐLĐ VN vẫn giữ quan điểm đề xuất của mình. “Năm nay, kinh tế khá hơn, tăng trưởng chung của nền kinh tế khá hơn năm 2015, không thể nói DN khó khăn hơn. Ít nhất tôi cho rằng mức tăng của năm 2016 phải bằng hoặc nhỉnh hơn so với mức tăng của 2015 mới là hợp lý” - ông Chính nói.
Ông Chính cũng cho biết theo tính toán của Tổng LĐLĐ VN, nếu mức tăng năm 2016 ở vùng I là 550 ngàn đồng như đề xuất của Tổng LĐLĐ VN thì mới đạt được 89% mức sống tối thiểu của NLĐ.
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, hiện phía Bộ LĐ-TB-XH chưa chốt về mức tăng. Tuy nhiên, rất có khả năng mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2016 mà Hội đồng tiền lương quốc gia chốt để trình Chính phủ sẽ không thấp hơn mức tăng lương tối thiểu của năm 2015.
Bình luận (0)