Theo quy định của Bộ Luật Lao động, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) khi người lao động (NLĐ) thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ. Thế nhưng, một số doanh nghiệp (DN) đã lạm dụng quy định này và bị NLĐ kiện ngược, phải bồi thường thiệt hại.
Bị kiện ngược
Mới đây, Công ty TNHH O.P (quận 1, TP HCM) đã bị TAND quận 1 tuyên buộc phải bồi thường cho ông Phạm Hoàng Tâm, nhân viên lập trình, tổng số tiền hơn 424 triệu đồng vì hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Quyết định của tòa khiến công ty ngỡ ngàng bởi trước đó đại diện DN rất tự tin về quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông Tâm.
Ông Tâm cho biết đầu tháng 1-2016, ông và công ty đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn với mức lương 17,3 triệu đồng/tháng. Trong HĐLĐ có một điều khoản đáng chú ý là: "Trường hợp NLĐ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về năng lực, đạo đức, phẩm chất, tinh thần, thái độ làm việc để thực hiện các nhiệm vụ được giao thì công ty sẽ thông báo bằng văn bản cho NLĐ biết trước 30 ngày về quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc công ty có quyền cho NLĐ thôi việc ngay và trả cho NLĐ số tiền tương đương một tháng lương". Đến ngày 16-11-2016, công ty bất ngờ ra quyết định cho ông Tâm thôi việc kể từ ngày 17-11-2016 với lý do không hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời trả 1 tháng lương cho ông theo thỏa thuận trong HĐLĐ. Không đồng tình với quyết định trên, ông Tâm khởi kiện ra tòa.
Trình bày tại tòa, đại diện DN khẳng định quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với ông Tâm là có cơ sở. "Tại biên bản họp về vấn đề nhân sự của nhóm thực hiện dự án lập trình ngày 15-11-2016, trưởng nhóm phần mềm cho biết trong thời gian làm việc, ông Tâm không hoàn thành nhiệm vụ được giao, gây ảnh hưởng đến chất lượng chung của nhóm và điều này khiến dự án trì trệ. Vị trưởng nhóm này cũng đã đề nghị thay người và đây chính là căn cứ để công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông Tâm" - đại diện DN trình bày.
Tuy nhiên, theo hội đồng xét xử, biên bản họp nói trên chưa đủ cơ sở để kết luận NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc được giao bởi công ty chưa hề nhắc nhở hoặc lập biên bản sự việc ông Tâm không hoàn thành công việc. Chưa kể công ty cũng không xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc để làm cơ sở đánh giá NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo quy định. Bên cạnh đó, thỏa thuận về thời hạn chấm dứt HĐLĐ trong HĐLĐ đã ký kết cũng không đúng pháp luật nên không có giá trị pháp lý. Từ nhận định này, tòa kết luận công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định và phải bồi thường cho NLĐ.
Một buổi hòa giải tranh chấp lao động tại một doanh nghiệp ở quận 2, TP HCM
Sai một li, đi tiền triệu
Khác với Công ty TNHH O.P, trình tự chấm dứt HĐLĐ với NLĐ không hoàn thành công việc được Công ty Gạch men B.T (tỉnh Đồng Nai) thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy định. Tuy nhiên, điều oái ăm là công ty vẫn phải bồi thường cho NLĐ.
Theo đó, ngày 1-7-2016, công ty này ký HĐLĐ thời hạn 1 năm với anh Nguyễn Hữu Tài ở vị trí công nhân bảo trì máy ép. Ngày 7-10-2016, công ty ra quyết định điều chuyển anh sang làm nhân viên tạp vụ thời hạn 2 tháng. Chưa hết bất ngờ, chiều cùng ngày, anh tiếp tục nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ với lý do thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ. Công ty yêu cầu anh không được vào công ty làm việc kể từ ngày 11-11-2016. Quyết định chấm dứt HĐLĐ do ông N.H.C (giám đốc kinh doanh), người thừa ủy quyền tổng giám đốc công ty, ký. Giải thích lý do buộc NLĐ thôi việc, đại diện công ty cho biết trong thời gian làm việc tại công ty, anh Tài không hoàn thành nhiệm vụ được giao và nhiều lần vi phạm kỷ luật. Cụ thể, vào các ngày 6, 7, 9 và 12-9-2016, anh Tài nhiều lần bỏ vị trí làm việc nhưng không thông báo với tổ trưởng dẫn đến việc máy hư nhưng không được xử lý kịp, gây ảnh hưởng đến sản xuất. Công ty đã lập biên bản ghi nhận các sự việc này. "Do anh Tài không hoàn thành nhiệm vụ và nhiều lần vi phạm kỷ luật nên công ty phải điều chuyển sang bộ phận tạp vụ. Tuy nhiên, anh không chấp hành và tự ý nghỉ việc nên công ty buộc phải quyết định chấm dứt HĐLĐ" - đại diện công ty giải thích.
Tại phiên xử do TAND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, hội đồng xét xử nhận định công ty có đầy đủ bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm nội quy lao động và không hoàn thành công việc của anh Tài. Thế nhưng, quyết định chấm dứt HĐLĐ với anh Tài lại do giám đốc kinh doanh ký là không đúng thẩm quyền. Tổng giám đốc công ty là người ký HĐLĐ mới có thẩm quyền ký quyết định chấm dứt HĐLĐ với anh Tài. Công ty cũng không xuất trình được tài liệu nào thể hiện việc tổng giám đốc ủy quyền cho ông N.H.C ký quyết định chấm dứt HĐLĐ với anh Tài. Từ nhận định này, tòa cho rằng công ty đã chấm dứt HĐLĐ trái luật, tuyên buộc bồi thường cho anh Tài hơn 50 triệu đồng.
Nắm rõ luật để vận dụng
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, chia sẻ: "Bộ Luật Lao động cho DN quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ khi họ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ. Tuy nhiên, như thế nào là thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ và quy trình để chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ trong trường hợp này thực hiện ra sao là vấn đề mà DN cần phải nắm rõ trước khi vận dụng. Nếu không, ngoài bồi thường, thanh toán lương cho những ngày NLĐ không đi làm, DN còn bị buộc phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo quy định.
Bình luận (0)