“Khi công ty mới đi vào hoạt động, giám đốc dùng lời lẽ ngon ngọt để dụ công nhân (CN) có tay nghề cao về làm việc bằng nhiều chế độ ưu đãi. Đến khi ổn định rồi thì cố tình lờ quyền lợi CN. Cư xử như vậy làm sao chúng tôi nể phục?”. Tập thể CN một công ty thời trang đóng tại một quận ven TP HCM đã phản ánh bức xúc với các cơ quan chức năng.
Hứa rồi nuốt lời
Cách đây 3 năm, để thu hút CN có kinh nghiệm về làm việc, giám đốc công ty xây dựng chính sách tuyển dụng với chế độ đãi ngộ khá cao. Theo đó, CN giỏi đầu quân về công ty sẽ được bảo lưu bậc lương, chế độ thâm niên tại công ty cũ, được hỗ trợ tiền nhà trọ, phụ cấp tay nghề, năng suất, chuyên cần... Cam kết là vậy song thực tế công ty chỉ áp dụng chính sách đãi ngộ trong thời gian đầu sau đó tìm mọi cách cắt giảm bất chấp phản ứng của CN.
Biểu hiện rõ nhất của sự “lật lọng” là việc không nâng lương định kỳ cho CN như cam kết. Khi CN thắc mắc, giám đốc cho rằng thu nhập của họ đã cao, nếu tiếp tục nâng lên thì sẽ phá vỡ quỹ lương. Cách đây không lâu, lấy lý do khó khăn, giám đốc thông báo cắt hết các khoản phụ cấp bất chấp ý kiến phản đối của Công đoàn cơ sở. Gần đây nhất, dù trích lương hằng tháng của CN nhưng công ty cố tình chiếm dụng, khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN lên đến hơn 1 tỉ đồng. Bức xúc dồn nén lâu ngày nên hàng trăm CN đã ngừng việc. Sau đó gần 2/3 số CN làm đơn xin thôi việc.
Tương tự, tại Công ty N.V (100% vốn nước ngoài; huyện Hóc Môn, TP HCM), phát hiện ban giám đốc chuyển nhượng nhà xưởng, máy móc nhưng cố tình phớt lờ các khoản trợ cấp, nhất là nợ đọng BHXH, hơn 650 CN phản ứng quyết liệt. Phải đến khi các cơ quan chức năng huyện can thiệp, công ty mới cam kết bảo đảm đầy đủ quyền lợi CN. “Làm ăn chụp giật như vậy thì không thể nào khá nổi!” - nhiều CN bày tỏ.
Chưa hết trách nhiệm
Không ít lần chứng kiến kiểu hành xử bất chấp pháp luật, thiếu trách nhiệm của DN đối với người lao động, ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch LĐLĐ quận 12, TP HCM - cho rằng cách hành xử như vậy của người sử dụng lao động rất đáng chê trách. “Chế độ chính sách tại DN, đặc biệt là lương, thưởng, phúc lợi đã thỏa thuận thì phải tuân thủ. Nại lý do khó khăn để làm trái cam kết và xù quyền lợi CN là hành động rất khó chấp nhận” - ông Trung nói.
Nhắc lại vụ ngừng việc cách đây không lâu, ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc Công ty Sao Kim, cho biết đến giờ này ông vẫn chưa hết xấu hổ khi gặp lại CN cũ. Năm 2012, cùng với một đối tác, ông Thành mở xưởng may tại huyện Hóc Môn với 200 CN. Năm đầu tiên, do đơn hàng ổn định nên công ty luôn bảo đảm lương, thưởng đầy đủ. Thế nhưng, đến đầu năm 2013, do cạnh tranh gay gắt nên công ty thiếu hụt đơn hàng, CN phải chờ việc thường xuyên. Không chỉ nợ lương chờ việc, công ty còn nợ BHXH. Chưa hết, đối tác của công ty sau đó đã âm thầm đóng cửa xưởng, bán máy móc. Khi ông Thành hay tin thì mọi việc đã quá muộn.
Bị CN “níu áo” đòi lương và các chế độ khác trong lúc đối tác đã cao chạy xa bay, ông Thành buộc lòng phải bán nhà để chi trả. “Vẫn biết là lỗi của đối tác nhưng tôi hết sức áy náy khi chưa làm hết trách nhiệm với anh em CN” - ông Thành bày tỏ.
Theo ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, xu thế hội nhập đòi hỏi các DN phải tuân thủ quy định của pháp luật. Lật lọng, làm trái cam kết với NLĐ đồng nghĩa với việc DN tự hạ thấp uy tín của mình.
Bình luận (0)