“Công ty đột ngột hạ bậc lương mà không nêu rõ lý do khiến thu nhập công nhân (CN) sụt giảm; CN nghỉ việc không phép, bất luận lý do gì đều bị cắt hết các khoản phụ cấp; tùy tiện cấn trừ phép năm khi CN nghỉ chờ việc. Thông qua Công đoàn (CĐ) cơ sở, chúng tôi đã kiến nghị giải quyết nhưng đều bị ban giám đốc bỏ ngoài tai”. Đó là nội dung đơn kêu cứu của tập thể CN tại một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài ở một quận ven TP HCM gửi các cơ quan chức năng mới đây.
Phớt lờ kiến nghị của người lao động
Tìm hiểu vụ việc, các cơ quan chức năng phát hiện lỗi thuộc về ban giám đốc công ty khi đã phớt lờ những bức xúc hết sức chính đáng của tập thể CN. Cụ thể, khi sản phẩm bị khách hàng trả về do dính lỗi, dù chưa làm rõ trách nhiệm của bộ phận nào nhưng công ty đã hạ bậc lương toàn bộ CN, điều này khiến thu nhập CN sụt giảm từ 100.000 - 200.000 đồng/tháng. Việc cắt hết các khoản phụ cấp khi CN nghỉ việc không phép không được quy định trong thỏa ước lao động tập thể. Riêng việc cấn trừ phép năm khi CN nghỉ chờ việc do không có đơn hàng, cái sai của công ty rất rõ ràng.
Sau khi nghe các cơ quan chức năng phân tích, giám đốc công ty thừa nhận chưa quan tâm xem xét, giải quyết thấu đáo những kiến nghị của CN và đây cũng là nguyên nhân khiến tập thể lao động ức chế. Kết thúc buổi hòa giải, ngoài việc rút lại quyết định hạ bậc lương, công ty cũng cam kết hủy bỏ quy định cấn trừ phép năm trái luật, đồng thời truy trả phụ cấp cho CN theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Tham gia giải quyết tranh chấp, một cán bộ đoàn liên ngành cho biết: “Thực ra, việc tìm tiếng nói chung với tập thể CN không quá khó nếu chủ DN biết lắng nghe và hồi âm thỏa đáng các kiến nghị của CN. Đây là bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành quản lý của ban giám đốc”.
Tương tự, tại Công ty Đi Nô (quận 12, TP HCM), khi chuyển nhượng nhà xưởng và CN cho chủ sở hữu mới, giám đốc là ông Beag Jong Gi cũng né tránh giải quyết các khoản nợ lương và BHXH, khiến tập thể CN bức xúc. Phải đến khi các cơ quan chức năng can thiệp, ông giám đốc mới chịu nhận trách nhiệm và cam kết bảo đảm quyền lợi CN.
Thượng tôn pháp luật
Qua khảo sát 77 vụ ngừng việc xảy ra từ đầu năm đến nay, Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM cho biết rất nhiều vụ việc có nguyên nhân từ lối hành xử thiếu trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động (NLĐ). Nhiều năm theo dõi tình hình quan hệ lao động tại TP HCM, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP, thẳng thắn chỉ ra hệ quả đối với hành vi này. “Cố tình phớt lờ hoặc chây ì giải quyết bức xúc về quyền lợi CN, DN sẽ đánh đổi nhiều thứ, trong đó có niềm tin của NLĐ. Trong xu thế hội nhập, việc tuân thủ luật pháp sẽ giúp DN xác lập uy tín, ổn định quan hệ lao động lâu dài” - ông Khải khẳng định.
Chia sẻ kinh nghiệm bình ổn quan hệ lao động, bà Huỳnh Thị Cẩm Lan, Giám đốc Công ty Giày da Tích Hanh (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng ý thức thượng tôn pháp luật, đặc biệt là tinh thần cầu thị của chủ DN, là 2 yếu tố căn bản để ngăn ngừa tranh chấp từ gốc. “Những gì pháp luật quy định thì DN phải có trách nhiệm tuân thủ. Nếu đòi hỏi của tập thể lao động cao hơn luật thì chủ sử dụng lao động nên ngồi lại với CĐ - đại diện cho tập thể NLĐ - để thương lượng giải quyết sao cho thấu tình đạt lý” - bà Lan cho biết. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Huỳnh Đức, Giám đốc Công ty TNHH May Đức Huỳnh (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), chia sẻ: “Trong bất cứ trường hợp nào, DN cũng phải hành xử có trách nhiệm, có như vậy mới nhận được sự tôn trọng từ phía NLĐ”. Từ suy nghĩ ấy, khi làm thủ tục giải thể công ty cách đây 2 tháng, ông Đức yêu cầu các bộ phận liên quan phải giải quyết dứt điểm chế độ chính sách cho CN, chốt sổ BHXH cho CN.
Bình luận (0)