Nguyễn Thành Trung (TP HCM) hỏi: "Mới đây, không hiểu vì lý do gì mà giám đốc công ty yêu cầu tôi viết đơn xin nghỉ việc, cũng không đả động đến chuyện bồi thường. Xin hỏi, trường hợp này công ty đúng hay sai và tôi có được bồi thường hay không?".
- TS Nguyễn Vinh Huy, Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, trả lời: Trước tiên, khi giám đốc yêu cầu viết đơn xin nghỉ việc thì ông cần hỏi rõ lý do. Việc giám đốc yêu cầu ông viết đơn xin nghỉ việc được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Điều 38 Bộ Luật Lao động quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi: Người lao động (NLĐ) thường xuyên không hoàn thành công việc; NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục; do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; NLĐ không có mặt tại nơi làm việc, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn HĐLĐ. Ngoài ra khi chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải thông báo trước cho NLĐ: Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Trường hợp ông không đồng ý nghỉ việc theo yêu cầu của giám đốc thì giám đốc của ông phải tuân thủ các quy định tại điều 38 Bộ Luật Lao động để đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Trường hợp giám đốc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, ông có thể thực hiện khởi kiện ra tòa.
Bình luận (0)