xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nhân chưa an tâm về chỗ gửi con

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

TP HCM cần xem xét cấp phép đối với các cơ sở mầm non đủ điều kiện nuôi dạy trẻ và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm

Sáng 12-11, UBND TP HCM đã tổ chức chương trình tổng kết đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCX-KCN" giai đoạn 2015-2020 (Đề án 404).

Khó gửi con khi tăng ca

Thực hiện đề án, UBND các quận, huyện quan tâm đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ sư phạm thực hiện tốt công tác chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại trường. Đến nay, việc thực hiện nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi đã được triển khai đại trà ở 24 quận, huyện và mang lại một số kết quả.

Công nhân chưa an tâm về chỗ gửi con - Ảnh 1.

Con công nhân học tại Trường Mầm non KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM)

Song song đó, TP đã triển khai thực hiện thí điểm kế hoạch hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân (CN) tại KCX-KCN TP từ năm 2016-2020 áp dụng thí điểm tại quận Bình Tân và Thủ Đức. Cụ thể, các trường giữ trẻ từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút từ thứ hai đến thứ sáu (1 giờ/ngày); từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút cho ngày thứ bảy (10 giờ/ngày) và để bảo đảm an toàn thì chỉ thực hiện giữ ngoài giờ cho trẻ từ 3-5 tuổi. TP đã hướng dẫn các quận, huyện thực hiện đầy đủ chế độ hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non tham gia giữ trẻ ngoài giờ. Dù đạt được một số kết quả khả quan, song theo phản ánh của nhiều CN, việc gửi con tại các cơ sở giữ trẻ gặp nhiều bất tiện. Trường Mầm non KCX Tân Thuận chỉ giữ bé đến 17 giờ 30 phút và các nhà trẻ công khác thì không giữ trẻ ngoài giờ, trả trẻ lúc 16 giờ 30 phút và không giữ trẻ ngày thứ bảy trong khi CN phải tăng ca thường xuyên và làm việc thứ bảy. Điều này khiến phần lớn CN phải gửi con ở nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ gia đình. "Nhiều vụ trẻ em bị bạo hành, thậm chí bị lạm dụng, khiến chúng tôi rất lo lắng, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý làm việc. Vì thế, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh thời gian giữ trẻ phù hợp để việc gửi con của CN được thuận tiện hơn" - chị Bùi Thị Hoa, CN Công ty TNHH FAPV - KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM), góp ý.

Bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên

Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn (CĐ) các KCX-KCN TP, cho biết hiện các KCX-KCN TP có 17 KCX-KCN với gần 1.200 doanh nghiệp hoạt động. Tổng số lao động các KCX-KCN TP là hơn 288.000, trong đó lao động nữ 168.000 người (chiếm 58,5%), lao động ngoại tỉnh 173.000 người (chiếm 60,1%). Hiện các KCX-KCN TP có 18 trường mầm non, song chỉ tiếp nhận 6.300 con CN. "Số trường mầm non hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con của CN, rất nhiều CN phải gửi con tại các cơ sở tư thục, nhóm trẻ. Vì thế, TP cần ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục mầm non; xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục mầm non trong dài hạn, bảo đảm quy mô trường, lớp, số trẻ/nhóm, lớp đáp ứng với nhu cầu thực tế. Song song đó, TP ban hành chính sách thu hút đầu tư cho giáo dục mầm non, mẫu giáo ở các KCN-KCX TP; tạo điều kiện cấp phép đối với các cơ sở mầm non đủ điều kiện nuôi dạy trẻ và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, để xảy ra nguy hiểm cho trẻ" - bà Thùy đề xuất.

Theo bà Đỗ Thị Yến - Chủ tịch Hội LHPN quận Thủ Đức, TP HCM - sự gia tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến việc xây dựng trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Trường công chỉ đáp ứng thu nhận 40% tổng số trẻ, 60% trẻ còn lại phải học các trường ngoài công lập. Số lượng giáo viên, bảo mẫu thường xuyên biến động, chưa qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng nên việc chăm sóc, giảng dạy còn hạn chế. Bà Yến kiến nghị TP nên hỗ trợ kiện toàn, phát triển các nhóm trẻ độc lập, tư thục tại các KCX-KCN TP giúp CN có con dưới 36 tháng tuổi an tâm công tác. Đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi đối với đội ngũ là chủ nhóm, giáo viên và người giữ trẻ.

Chia sẻ tại buổi tổng kết, bà Lê Hoàng Quyên, chủ nhóm trẻ Hoa Mặt Trời (huyện Nhà Bè, TP HCM), cho biết khi thực hiện đề án, việc lắp camera tại trường gặp rất nhiều khó khăn vì đa số phụ huynh là CN có thu nhập thấp. Tuy nhiên, trường đã lắp đặt camera phục vụ cho công tác quản lý. Theo bà Quyên, phụ huynh rất an tâm khi theo dõi con mình được sinh hoạt, vui chơi mà có sự giám sát của chủ cơ sở, các cơ quan chức năng. Thông qua các hình ảnh camera, trường tự tin giới thiệu đến phụ huynh các hoạt động của trẻ tại trường một cách bày bản. Việc lắp đặt camera mang lại nhiều thuận lợi cho người quản lý vì có thể theo dõi các hoạt động, nhắc nhở bảo đảm an toàn cho trẻ, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các tình huống. "Ban đầu, do chưa quen với việc được "giám sát" qua camera, các cô giáo có đôi phần áp lực, thiếu tự tin. Tuy nhiên, qua sự động viên của nhà trường, các cô đã biến "áp lực" thành "động lực", biến sự "hoài nghi" thành sự "tin tưởng" của phụ huynh" - bà Quyên chia sẻ. 

Ông DƯƠNG ANH ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND TP HCM:

Một chương trình nhân văn

Đề án là một chương trình rất nhân văn với sự góp mặt của 10 đơn vị, cơ quan TP thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động của Đề án 404 giai đoạn 2015-2020 là 14 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 9 tỉ đồng, kinh phí từ nguồn lực khác 1,7 tỉ đồng và kinh phí Công đoàn 3,3 tỉ đồng đồng. TP sẽ tiếp tục xây dựng các trường mầm non công lập tại các KCX-KCN TP để đáp ứng nhu cầu gửi con của CN, giúp họ an tâm làm việc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo