Trong khi đó, anh Nguyễn Văn T, làm việc tại một công ty điện tử thuộc KCX Tân Thuận (TP HCM) chia sẻ: “Chúng tôi cứ làm xoay vần, tới lượt nghỉ thì nghỉ, nhiều khi cũng không nhớ mình đã được nghỉ chưa nữa. Con cái thì được nghỉ ngày thứ 7, chủ nhật, muốn bố mẹ đưa đi chơi cũng không được vì mình còn phải đi làm”.
Con nghỉ học thì bố mẹ lại đi làm
Trước đây, công ty N.T áp dụng thời gian làm việc theo chế độ 3 ca, 8 giờ/ngày: Ca 1, từ 6h-14h; ca 2, từ 14h-22h và ca 3, từ 22h đến 6h sáng, giờ nghỉ giữa ca được tính vào giờ làm việc có hưởng lương. Ca hành chính 8 giờ/ngày, từ 7h30-16h30, nghỉ giữa ca 60 phút không tính thời gian hưởng lương. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1.4.2016, ban giám đốc công ty bỗng dưng áp dụng việc thay đổi giờ làm.
Trong đơn kiến nghị tập thể của công nhân (CN) chuyền IMV của công ty trình bày: Công ty thay đổi giờ làm từ ca hành chính bắt đầu lúc 6 giờ sáng đến 16 giờ 30 (tăng ca đến 19 giờ được 2,5 giờ); ca đêm từ 20 giờ đến 6 giờ sáng (tăng ca từ 18 giờ đến 20 giờ 30 phút được 2,5 giờ). “Như vậy, tính theo thời gian hành chính chúng tôi phải làm việc 10,5 giờ so với lịch làm việc bình thường là 9 giờ. Còn ca đêm chỉ được nghỉ 45 phút thay vì 50 phút như trước đây. Ngày chủ nhật là ngày nghỉ nhưng CN vẫn phải đi làm. Như vậy, NLĐ phải làm việc 4 ngày nghỉ 2 ngày không có ngày nghỉ cố định hàng tuần. Chúng tôi không đồng ý với cách chỉnh sửa của công ty vì điều đó không đúng Luật Lao động” – Tập thể người lao động (NLĐ) ở đây kiến nghị.
Anh T chia sẻ: “Cứ làm 4 ngày liên tục rồi nghỉ 2 ngày, nghe có vẻ hợp lý nhưng thực ra chẳng hợp lý gì cả. Tính tổng thời gian làm việc, CN phải làm việc quá giờ quy định nhưng cái thiệt lớn nhất đó là gia đình”. Anh T giải thích, cả hai vợ chồng anh đều làm CN tại công ty này. Hai vợ chồng được sắp xếp ca khác nhau, chồng vào ca thì vợ ra ca và ngược lại. Vợ được nghỉ thì chồng đi làm và ngược lại. Cho nên, lắm khi cả tháng 2 vợ chồng không được gặp mặt nhau. Điều đáng buồn hơn nữa là cả gia đình 4 người muốn có một bữa ăn cơm chung cũng không được huống chi đi chơi.
Vợ chồng anh chị có hai đứa con, đứa lớn năm nay học lớp 7, đứa nhỏ đang học lớp 1, thế nhưng mọi việc đưa đón con, anh chị phải trông cậy vào hàng xóm vì giờ giấc làm việc của anh chị không giống ai, giờ giấc anh chị vào, ra ca trái ngược với thời gian các con đi học.
“Vợ chồng tôi không có thời gian đưa đón con thì nói chi đến việc kèm cho con học bài. Chưa kể, cuối tuần, bạn bè của các con được bố mẹ đưa đi chơi thì các con tôi phải ngồi ở nhà, thui thủi một mình. Khi tôi hoặc vợ được nghỉ thì các con đã đi học. Ở nhà cũng chẳng biết làm gì, ngoài ngủ bù lấy sức” – anh T bộc bạch.
Người lao động chịu nhiều thiệt thòi
“Công ty thay đổi cách điều hành, thời gian làm việc đã bị CN phản ứng. Thế nhưng, mặc cho CN phản ứng, công ty vẫn áp dụng. Với những quy định này, CN chính là người chịu thiệt thòi nhất” – một nữ CN trình bày. Theo chị, thay vì nếu có ngày nghỉ cố định, nếu công ty bố trí CN làm việc vào ngày nghỉ đó thì công ty phải trả tiền lương tăng lên từ 150-200% so với ngày làm việc bình thường. Khi CN làm việc và nghỉ kiểu “xoay vần” như thế này thì bất kể đó là ngày nghỉ, ngày lễ, nếu đúng lịch thì CN vẫn phải làm việc và tiền lương không có gì thay đổi.
Theo ông Nguyễn Thành Đô – Chủ tịch CĐ KCN – KCX TP HCM, hiện nay, trong KCN – KCN TP đã có một số doanh nghiệp (DN) thay đổi phương án làm việc mới của công ty từ chế độ hành chính, ca đêm, 3 ca sang chế độ làm việc 4 ngày nghỉ 2 ngày. Nhiều CN đã thắc mắc cho rằng nếu áp dụng theo phương án này thì không xác định được ngày nghỉ cố định trong tuần. Ví dụ như Công ty A làm việc 4 ngày từ thứ hai đến thứ năm, nghỉ 2 ngày thứ sáu, thứ bảy (trong tuần) và tiếp tục làm việc 4 ngày từ chủ nhật đến thứ tư thì nghỉ thứ năm và thứ sáu trong tuần. Tuần tự liên tục thay đổi ngày nghỉ như vậy, không có ngày nghỉ cố định.
Căn cứ theo Điều 110 của Bộ Luật Lao động về Nghỉ hằng tuần: Khoản 1: Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì NSDLĐ có trách nhiệm bảo đảm cho NLĐ được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Khoản 2: NSDLĐ có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
“Như vậy, trường hợp NSDLĐ không có ngày nghỉ cố định cho NLĐ là không phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này khiến cho NLĐ chịu thiệt thòi. Khi có ngày nghỉ cố định, NLĐ họ chủ động sắp xếp được công việc tại công ty cũng như gia đình. Bên cạnh đó, với tâm lý bức xúc là làm việc mà không có ngày nghỉ cố định, NLĐ sẽ dễ chán nản, khiếu nại dẫn đến tranh chấp lao động tại DN” – ông Đô phân tích.
Ông Đô cũng cho biết thêm, đối với các trường hợp cụ thể mà CĐ KCN – KCX nhận được khiếu nại của NLĐ, CĐ KCN – KCX đã trực tiếp làm việc với CĐ cơ sở, kiến nghị lên cơ quan chức năng có liên quan để can thiệp, giải quyết.
Bình luận (0)