Trong đó, phương án thứ nhất là nâng giờ làm thêm (tối đa không quá 600 giờ mỗi năm).
Đọc sơ qua dự thảo, số đông cán bộ Công đoàn (CĐ) chuyên trách và công nhân (CN) đều ngán ngẩm. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy - CN một doanh nghiệp gia công hàng may mặc tại huyện Củ Chi, TP HCM - cho biết: “Nhu cầu làm thêm để cải thiện thu nhập trong CN là có thật song các nhà làm luật phải cân nhắc kỹ. Quy định làm thêm không quá 300 giờ/năm hiện nay đã vắt kiệt sức người lao động (NLĐ) và khiến chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân và gia đình. Chưa kể, việc phải làm quá sức khiến nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp và rủi ro tai nạn lao động cũng cao hơn”. Tâm sự của chị Thủy cũng là suy nghĩ của số đông CN, nhất là nữ CN đang làm việc tại các KCX-KCN. Bị vắt kiệt sức nên sức khỏe họ ngày càng suy kiệt, năng suất lao động giảm, chưa kể phải đối diện nguy cơ bị chủ sử dụng lao động đẩy ra đường. Phải đánh đổi nhiều thứ và đối diện với tương lai mờ mịt chắc chắn là điều CN không mong muốn.
Ở các đợt khảo sát về tình hình làm thêm giờ trong CN do Viện CN-CĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện, tình trạng chủ doanh nghiệp buộc CN làm thêm giờ nhưng không thỏa thuận vẫn còn phổ biến. Nếu NLĐ không đi làm thêm giờ thì sẽ bị trừ tiền chuyên cần, năng suất dẫn đến ảnh hưởng thu nhập. Thực trạng này cho thấy việc làm thêm không thể giải quyết căn cơ bài toán tăng thu nhập cho NLĐ. Không ít chủ sử dụng lao động tại TP HCM đã lên tiếng đề nghị xem xét lại việc tăng ca bởi thực tế việc ép NLĐ làm việc quá sức cũng sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên nhân nhiều vụ tranh chấp lao động là do NLĐ phải tăng ca quá sức nhưng thu nhập không được cải thiện. Phải làm việc quần quật và đánh đổi nhiều thứ, thậm chí cả tuổi trẻ, chỉ để cải thiện thu nhập rõ ràng không phải là sự lựa chọn của đại đa số NLĐ.
Bình luận (0)