Mặc dù người lao động (NLĐ) từ các tỉnh miền Trung tìm đến Đà Nẵng làm việc ngày càng nhiều nhưng thực tế đáng buồn là TP Đà Nẵng hiện vẫn chưa có một thiết chế văn hóa hay khu nhà ở nào cho họ đúng nghĩa. Trong khi chờ đợi ngành chức năng tìm một giải pháp cho vấn đề nhà ở, hàng vạn lao động vẫn đang phải sống trong các dãy trọ ọp ẹp, xuống cấp.
Ước mơ ngoài tầm với
Theo số liệu của Phòng Quản lý lao động thuộc Ban Quản lý các KCN - KCX Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, tỉ lệ người lao động (NLĐ) làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đạt gần 73.000 CN (khoảng 95,3%), mức cao nhất so với những năm trước. Nhiều NLĐ cho rằng, lý do để họ yên tâm làm việc được là nhờ Tổ chức Công đoàn (CĐ) Đà Nẵng và các DN có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực.
Chị Bùi Thị Hồng Thắm - CN Công ty TNHH Daiwa Việt Nam tại Đà Nẵng - cho rằng, sở dĩ CN lâu năm như chị yên tâm làm việc tại công ty và thường xuyên tham gia các chương trình của Tổ chức CĐ vì mặt bằng chung, NLĐ tại Đà Nẵng đã có thể sống được bằng lương. Cạnh đó, những chính sách, tuyên truyền về Bộ luật Lao động, BHXH của tổ chức CĐ cũng đã giúp những CN yên tâm lao động. “Duy chỉ có vấn đề nhà ở là khiến NLĐ còn trăn trở. Hiện chúng tôi chỉ mong muốn lãnh đạo TP. Đà Nẵng và Tổ chức CĐ sớm có những hỗ trợ để chúng tôi có cơ hội sở hữu nhà giá rẻ hoặc được sinh hoạt trong các khu thiết chế văn hóa sau mỗi giờ lao động” - chị Thắm chia sẻ.
Thực tế cho thấy, phần lớn NLĐ trên địa bàn Đà Nẵng hiện vẫn sống trong các dãy nhà trọ chật hẹp, tạm bợ để dành khoản tiền lương mỗi tháng trang trải cho các chi phí sinh hoạt hằng ngày. Gần KCN Hòa Khánh, ghi nhận của PV Báo Lao Động tại các dãy nhà trọ nằm sâu hút trên đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu) cho thấy, nhiều nhà trọ cho CN vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của NLĐ.
Chị Lê Thanh Thủy - CN tại KCN Hòa Khánh - cho biết, vợ chồng chị đều làm CN tại Đà Nẵng hơn 10 năm nay. Dù tháng nào vợ chồng chị cũng tăng ca, làm thêm nhưng đồng lương của vợ chồng chị chỉ vừa đủ trang trải các chi phí sinh hoạt cho 2 con nhỏ và gửi về cho 2 bên gia đình. Kinh tế thiếu thốn nên vợ chồng chị Thủy đành chấp nhận thuê một căn nhà trọ chưa đầy 10m2. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều ở trong 4 bức tường nứt nẻ, chật chội. “Lương của vợ chồng tôi cộng lại gần 8 triệu đồng thì một nửa dành mua sữa, chăm sóc cho 2 con nhỏ. Tiền trọ hằng tháng chúng tôi phải đóng 700.000 đồng rồi còn gửi tiền về quê cho cha mẹ già. Tính nhẩm mỗi tháng vợ chồng tôi để dành được vài triệu đồng, thử hỏi đến bao giờ mới dám mua đất hoặc xây nhà” - chị Thủy ngao ngán.
Thiếu thiết chế phục vụ công nhân
Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý lao động thuộc Ban Quản lý các KCN-KCX Đà Nẵng - nêu thực tế, trước đây Nghị định 29 của Chính phủ quy định việc xây dựng các KCN trên cả nước không nói đến việc đầu tư các khu thiết chế phục vụ đời sống. Mãi đến Nghị định 164 đã yêu cầu địa phương xây dựng các KCN phải dành một quỹ đất xây khu thiết chế phục vụ CN.
“Điều này có nghĩa các KCN tại Đà Nẵng đang xây dựng phải bổ sung các khu thiết chế vào trong quy hoạch. Tại Đà Nẵng, chúng ta có 3 KCN mới sẽ có khu thiết chế CN gồm KCN Hòa Nhơn với hơn 545ha, KCN Hòa Ninh diện tích 676ha và KCN Hòa Sơn diện tích 227ha. Khi các khu thiết chế này đi vào hoạt động, NLĐ sẽ được tạo điều kiện ở nhà giá rẻ, có khu vực để vui chơi, giải trí sau giờ làm…“ - ông Thành nhận định.
Trước thực trạng TP. Đà Nẵng chưa có khu thiết chế CN, LĐLĐ TP. Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đề án về nhà ở CN. Qua đó, đơn vị đã chọn một số vị trí dự kiến đầu tư xây dựng các nhà ở CN trên địa bàn. “Hiện Đà Nẵng đang kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho CNLĐ, nhưng việc kêu gọi này gặp khó vì nhà đầu tư hiện chưa nhìn thấy được lợi nhuận thu về. Khó khăn nữa là đa phần NLĐ tiền lương ít nên thường có xu hướng ở các nhà trọ giá rẻ, trong khi vào ở nhà CN thì họ phải đóng một mức giá cao” - Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nhận định.
Bình luận (0)