xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cử nhân gian nan tìm việc

GIANG NAM - MÂY TRINH

Bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải nửa cuối năm ngoái, nhiều lao động có trình độ đại học kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường sau Tết nhưng thực tế không như mong đợi

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, trong 146.285 người lao động (NLĐ) thành phố mất việc, được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2022 có đến 45.543 người có trình độ ĐH và trên ĐH (chiếm 31,14%). Số liệu này cho thấy công việc của lao động có trình độ ĐH trở lên không ổn định, tỉ lệ bị mất việc cao.

Có bằng cử nhân vẫn thất nghiệp

Hiện thị trường tuyển dụng có xu hướng tuyển lao động có trình độ nghề chiếm ưu thế nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được một phần, trong khi lao động có trình độ ĐH trở lên lại dư thừa, nhu cầu thấp.

Thất nghiệp từ tháng 7-2022, nhưng phải sau Tết Nguyên đán chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (28 tuổi, quê Đồng Nai) mới tìm việc làm. Ban ngày đi uống cà phê với bạn bè chị cũng mang theo máy tính để tìm việc, trước khi đi ngủ chị tranh thủ nộp hồ sơ ứng tuyển online. Chị không nhớ chính xác mình đã nộp hồ sơ ứng tuyển bao nhiêu công ty bởi đa số không phản hồi.

Có chuyên môn kế toán và nhiều năm kinh nghiệm nhưng chị Hân không nghĩ mình lại khó tìm việc đến vậy. "Thường vị trí kế toán tuyển rất nhiều nhưng không hiểu sao năm nay tình hình tuyển dụng lại ảm đạm. Tôi cứ nghĩ rằng mình có kinh nghiệm nên sẽ nhanh chóng tìm được việc nhưng mọi thứ lại khó khăn hơn tôi tưởng" - chị Hân nói.

Cử nhân gian nan tìm việc - Ảnh 1.

Sinh viên tìm việc tại một ngày hội việc làm ở TP HCM. Ảnh: GIANG NAM

Cũng chung tình cảnh như chị Hân nên mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của anh Nguyễn Văn Tùng (28 tuổi, quê Khánh Hòa) là truy cập vào 3 ứng dụng tìm việc làm đã cài sẵn trên điện thoại để tìm việc và ứng tuyển. Hằng ngày, anh vào 2 - 3 lần để xem có vị trí nào mới đăng tuyển để tiếp tục gửi hồ sơ.

Ngoài truy cập vào các ứng dụng, anh Tùng có mặt hầu hết hội nhóm tuyển dụng, tìm việc trên Facebook và hỏi thêm bạn bè. "Tôi là kỹ sư xây dựng và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho một tập đoàn bất động sản lớn ở TP HCM, trước khi mất việc làm vào cuối tháng 10-2022. Từ đó đến nay, tôi liên tục tìm việc nhưng chưa có công việc phù hợp. Tôi có thử sức làm nhân viên kinh doanh nhưng không phù hợp nên hiện vẫn thất nghiệp" - anh Tùng bộc bạch.

Bổ túc kỹ năng nghề

Kỹ sư Đinh Văn Hữu (34 tuổi, quê Bình Định) cũng thất nghiệp và đang làm tạm công việc giao hàng. Anh Hữu cho biết tháng 12-2022 công ty cho anh tạm ngừng việc với lời hứa khi nào có việc sẽ gọi quay lại làm, nên anh đang tìm việc mới và chạy xe giao hàng.

Cũng đang chạy xe công nghệ như anh Hữu nhưng anh Hồ Ngọc Giao (27 tuổi, quê Đắk Lắk) chỉ chạy buổi tối, ban ngày anh đi học lớp bếp Âu. Anh Giao tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm nhưng ra trường làm trái ngành. Cuối năm 2022, anh xin nghỉ việc vì lương thấp để theo học nghề mới. "Học nghề bếp dễ kiếm việc làm hơn, bạn bè tôi nhiều người có thu nhập khá cao nhờ làm đầu bếp cho nhà hàng, khách sạn" - anh Giao nói.

ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (TP HCM), cho rằng có hiện tượng ngược đang diễn ra tại nhiều trường dạy nghề khi chứng kiến nhiều cử nhân, thậm chí thạc sĩ đi học thêm kỹ năng nghề (KNN) hoặc học một nghề mới để tìm việc làm. "Hiện tượng này được gọi nôm na là liên thông ngược. Tại Trường Trung cấp Việt Giao, năm nào cũng có cử nhân, thạc sĩ theo học các lớp KNN sơ cấp, trung cấp, nhất là nghề bếp" - ông Phương cho biết.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, đánh giá thị trường lao động ngày càng coi trọng KNN hơn, doanh nghiệp (DN) cần lao động làm được việc chứ không quá quan tâm đến bằng cấp cao hay thấp. Do vậy, nếu không muốn bị đào thải, NLĐ phải thường xuyên học thêm các kỹ năng mới.

Lý giải nguyên nhân tốt nghiệp ĐH vẫn khó tìm việc, ông Tuấn cho rằng cung cầu thị trường lao động đang tồn tại sự lệch pha nghiêm trọng về trình độ chuyên môn. Trong khi DN cần nhiều lao động trình độ nghề ở các cấp độ thì ngành đào tạo lại cung cấp nhiều lao động có trình độ ĐH trở lên. Tình trạng này khiến cử nhân ra trường khó tìm việc làm, phải chấp nhận làm các công việc trình độ nghề. Nhưng để làm việc được, họ phải học bổ túc KNN cần thiết.

Khảo sát mới đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM thực hiện với gần 80.000 DN có nhu cầu tuyển dụng trên 273.000 lao động, cho thấy gần 86% vị trí tuyển dụng mà DN cần tuyển là lao động có tay nghề, đã qua đào tạo. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trình độ nghề sơ cấp là 17,4%, trung cấp nghề 28,64%, cao đẳng nghề 19,55%. Trong khi nhu cầu có trình độ ĐH trở lên là 20,19%.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo