"Mức lương tối thiểu (LTT) năm 2018 vừa được Hội đồng Tiền lương chốt hạ, do vậy, ưu tiên hàng đầu của Công đoàn (CĐ) cơ sở là phối hợp với bộ phận nhân sự xây dựng kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm tuân thủ đúng luật. Các chế độ phụ cấp, trợ cấp hiện có phải được duy trì để ổn định cuộc sống anh em công nhân (CN)" - ông Cao Kiến Bình, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Kiến Bình (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), lưu ý như vậy tại hội nghị đối thoại định kỳ với tập thể lao động được tổ chức vào giữa tuần qua.
Cốt là tấm lòng
Gần 10 năm thành lập công ty, dù trải qua nhiều thăng trầm song ông Bình và cộng sự vẫn xem việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CN là ưu tiên hàng đầu. Nhắc lại câu chuyện xảy ra cách đây vài năm, ông Bình khẳng định tình cảm, đặc biệt là cách ứng xử của CN giúp ông có thiện cảm với họ, từ đó hết lòng chăm sóc.
Cư xử trách nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động tìm được tiếng nói chung khi giải quyết các gút mắc trong quan hệ lao động
Theo đó, năm 2016, công ty đang ăn nên làm ra thì xảy ra bất đồng giữa các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT). Hệ lụy của sự bất ổn này là công tác điều hành sản xuất liên tục gặp trở ngại, chưa kể một bộ phận CN dao động tâm lý, lo sợ quyền lợi bị ảnh hưởng nếu doanh nghiệp (DN) giải thể. Trong tình cảnh đó, CĐ cơ sở và một số CN nòng cốt đã đứng ra hỗ trợ ban giám đốc ổn định tâm lý tập thể lao động. Tinh thần cộng đồng trách nhiệm ấy cùng với nỗ lực hóa giải mâu thuẫn của một số thành viên HĐQT đã giúp hoạt động công ty đi vào quỹ đạo ổn định. Sau vụ việc ấy, ông Bình và các thành viên HĐQT càng thêm quý trọng tập thể lao động. Từ đó về sau, mọi đề xuất của CĐ cơ sở về chính sách chăm lo, đãi ngộ CN đều được ban giám đốc xem xét, giải quyết thỏa đáng. "Lúc khó khăn nhất cũng là lúc DN nhận được sự sẻ chia thiết thực nhất từ CĐ và CN. Do vậy, cư xử trọn tình với họ là điều DN nên làm" - ông Bình bộc bạch.
Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP HCM) có những thời điểm gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, buộc phải cắt giảm lao động song ban giám đốc, cũng ứng xử trách nhiệm với người lao động (NLĐ). Tháng 6-2017, tình hình sản xuất đình đốn buộc ban giám đốc phải giải thể một phân xưởng và điều này khiến 40 CN mất việc. Thế nhưng, không chỉ giải quyết đầy đủ quyền lợi cho CN, công ty còn hỗ trợ thêm một khoản tiền để họ ổn định cuộc sống trước mắt. Tấm lòng và cách cư xử có tình ấy của lãnh đạo DN khiến những CN mất việc rất cảm kích và dốc sức làm việc đến ngày cuối cùng.
Hành xử thiện chí
Gặp chuyện lục đục nội bộ hoặc khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, rất nhiều DN tìm cách đẩy hết thiệt thòi về phía NLĐ. Cách hành xử thiếu trách nhiệm ấy khiến NLĐ bất mãn và đẩy quan hệ lao động tại DN rơi vào thế bất ổn. "Quan hệ lao động không chỉ dừng lại ở việc thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm mà còn phụ thuộc vào ý thức hành xử của các bên liên quan. Hành xử có tình sẽ giúp DN và NLĐ tìm được tiếng nói chung và hóa giải các gút mắc trong quan hệ lao động" - ông Richard Forwood, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thắng (100% vốn Anh quốc, KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương), nhìn nhận.
Nhiều DN cũng có cách suy nghĩ như ông Richard Forwood, xem đó là cách để ổn định quan hệ lao động một cách căn cơ. Kể lại câu chuyện xảy ra cách đây không lâu, phó chủ tịch HĐQT một công ty chuyên gia công da giày ở quận Gò Vấp, TP HCM cho biết đó là bài học kinh nghiệm đắt giá đối với DN trong quá trình điều hành, quản lý. Lần ấy, cho rằng chính sách tiền lương mới do ban giám đốc đưa ra mang tính cào bằng giữa CN cũ và CN mới, một số CN làm việc lâu năm đã bày tỏ bất mãn, lôi kéo CN ngừng việc. Nắm được thông tin, cùng với CĐ cơ sở, ban giám đốc đã chủ động đối thoại với số CN nói trên để tìm hiểu ngọn ngành. Qua trao đổi thẳng thắn và tư vấn trực tiếp từ CĐ cấp trên, cả hai phía đều nhìn nhận thiếu sót, gây căng thẳng không đáng có. Về phía CN là tâm lý nóng vội, không đề đạt nguyện vọng thông qua CĐ cơ sở; còn về phía ban giám đốc là chính sách tiền lương chưa hợp lý, chưa đáp ứng nguyện vọng một bộ phận CN. "Đối thoại trong trường hợp này vẫn là lựa chọn hợp lý nếu muốn DN ổn định tình hình, thay vì đối đầu" - vị phó chủ tịch HĐQT công ty, thừa nhận.
Ở những DN có đông CN như Công ty TNHH Hansae Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM), quan hệ lao động luôn ổn định nhờ cơ chế đối thoại được hình thành hết sức chặt chẽ. Mọi ý kiến đóng góp của NLĐ liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm và thu nhập đều được chủ DN lắng nghe, tiếp thu và chia sẻ với thái độ trân trọng. "Khi ý kiến đóng góp được lắng nghe và giải đáp thỏa đáng, chắc chắn CN sẽ sớm ổn định tâm lý làm việc. Trách nhiệm của CĐ cơ sở là làm một cầu nối để chủ DN và NLĐ tìm được tiếng nói chung để giải quyết các vấn đề liên quan" - ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Hansae Việt Nam, bày tỏ.
"Quan hệ lao động chỉ ổn định khi cả chủ DN và tập thể lao động có tinh thần thượng tôn pháp luật. Mọi gút mắc giữa hai bên cần được giải quyết trên tinh thần đối thoại, hài hòa được lợi ích chung, có như vậy mới bền vững" - ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Bình luận (0)