Từ đầu năm 2023, do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động. Thế nhưng, vẫn có nhiều DN nỗ lực xoay xở để giữ việc làm cho công nhân (CN).
Ổn định đời sống công nhân
Kể từ sau Tết Nguyên đán, đơn hàng của Công ty CP May da xuất khẩu 30/4 (quận Phú Nhuận) bị sụt giảm mạnh, không đủ việc làm cho hơn 300 lao động tại 3 nhà máy ở TP HCM và tỉnh Bến Tre.
Trước tình thế đó, ban giám đốc công ty cùng với Công đoàn tìm mọi cách để duy trì được sản xuất, kể cả việc nhận gia công các đơn hàng nhỏ lẻ, từ vài trăm đến 1.000 sản phẩm mỗi mã hàng. Việc nhận các đơn hàng nhỏ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, nhất là thu nhập do CN mất khá nhiều thời gian để làm quen với các mã hàng mới.
Tuy nhiên, tất thảy CN chấp nhận vì họ hiểu được khó khăn của DN. Về phía DN, hiểu được vất vả của NLĐ nên ban giám đốc áp dụng chính sách bù lương đối với những trường hợp có năng suất thấp. "Ngoài ra, DN cũng bố trí nơi ăn, ở cho CN giúp họ giảm chi phí sinh hoạt, nhờ vậy cuộc sống ít bị ảnh hưởng" - bà Bùi Thị Xuân Huệ, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết. Dự kiến nửa cuối năm nay, tình hình đơn hàng sẽ khởi sắc hơn nên DN hiện đang ráo riết tuyển dụng lao động.
Bà Phùng Thị Minh Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên, tặng quà cho công nhân
Đơn hàng sụt giảm nên nhiều tháng qua, Công ty CP Sản xuất Vĩ Nam Việt (quận 6, TP HCM) không tổ chức tăng ca. Để duy trì việc làm thường xuyên cho CN, công ty đã sắp xếp lại thời gian làm việc, khi giãn đơn hàng, CN sẽ được nghỉ ngày thứ bảy. Ông Quách Vũ Bảo Châu, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: "Lĩnh vực cơ khí cần lao động lành nghề nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, ban giám đốc ưu tiên ổn định nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, công ty cũng cố gắng duy trì chế độ phúc lợi, khen thưởng để tạo động lực làm việc cho CN".
Là Chủ tịch Công đoàn, ông Châu luôn tiên phong cải tiến máy móc, đồng thời phụ trách tổ sáng kiến của công ty, hướng dẫn CN thực hiện sáng kiến. Năm nào tập thể NLĐ của công ty cũng có những cải tiến mang lại giá trị lớn, giúp DN vượt khó. Cũng chính vì vậy, DN rất trân trọng và luôn ưu tiên giữ NLĐ gắn bó lâu dài.
Chủ động thích ứng
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên (quận 6) cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm sút. Vì vậy, để giữ việc làm cho trên 700 CN, DN đã phải tính toán, cân nhắc kỹ khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Theo ông Lê Bá Ngọc - Phó Giám đốc khối sản xuất, Chủ tịch Công đoàn công ty - khi thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, ban giám đốc lập tức tập trung vào thị trường nội địa. Với sự chuyển hướng kịp thời này, công ty đã duy trì được sản xuất, dù có thời điểm CN chỉ làm 5-6 ngày/tuần.
Để giúp NLĐ cải thiện thu nhập, DN còn cùng với Công đoàn tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, nhờ đó góp phần cải thiện năng suất lao động của CN. Bên cạnh đó, DN vẫn duy trì các khoản thưởng thâm niên, năng suất, lương tháng 13, đồng thời hỗ trợ nơi ở cho CN tại khu lưu trú… Với những bước đi căn cơ này, dù việc làm ít đi nhưng thu nhập của CN giảm không đáng kể.
Đồng hành với DN, thời gian qua, Công đoàn công ty cũng thường xuyên tổ chức các đợt chăm lo cho CN. Mới đây, Công đoàn công ty phối hợp với LĐLĐ quận 6 tổ chức "Ngày hội vì sức khỏe người lao động" với sự tham gia của hơn 700 CN. Chương trình với nhiều hoạt động như cắt tóc miễn phí, khám sức khỏe chuyên sâu, bán hàng bình ổn giá, các sân chơi "Giờ thứ 9", tặng quà cho nữ CN mang thai và nuôi con nhỏ…
Chị Nguyễn Thị Huỳnh Như, CN có thâm niên làm việc hơn 10 năm tại công ty, nói: "Vợ chồng tôi cùng làm việc tại công ty, mỗi tháng tổng thu nhập trên 15 triệu đồng, đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt. Điều khiến tôi gắn bó suốt 10 năm qua là công ty luôn bảo đảm các chế độ chăm lo cho người lao động, kể cả lúc khó khăn". Hiện công ty đang tuyển dụng 100 lao động ở nhiều vị trí để phục vụ sản xuất giai đoạn tới.
Bình luận (0)