Theo đó, dự thảo Bộ Luật Lao động sẽ mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) về thời giờ làm thêm để tăng sự linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao thu nhập của NLĐ khi làm thêm giờ.
Doanh nghiệp không được huy động người lao động làm thêm giờ nhiều tháng liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ hợp lý
Phương án 1, quy định số giờ làm thêm tối đa là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt DN có nhu cầu và NLĐ đồng ý thì hai bên thỏa thuận làm thêm giờ không quá 400 giờ/năm. Phương án 2, giữ nguyên quy định hiện hành. Tuy nhiên, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi nhận được sự đồng ý của NLĐ. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện tổ chức làm thêm giờ nhằm hạn chế tác động đến sức khỏe nghề nghiệp của NLĐ.
Về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ông Thiện cho hay những sửa đổi về vấn đề này nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tận dụng tối đa nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Theo đó, dự thảo luật đề xuất tuổi nghỉ hưu của NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi với 2 phương án như sau: Phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ tăng mỗi năm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đối với những ngành nghề đặc biệt, NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Bình luận (0)