"Sai lầm trong công tác điều hành, quản lý là điều khó tránh. Là người quản lý thì phải biết cầu thị và nhìn ra sai sót để khắc phục, thay vì "đổ thêm dầu vào lửa", có như vậy mới ổn định quan hệ lao động một cách căn cơ". Ông Cao Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH May Kiến Bình (quận 11, TP HCM), đã đúc kết như vậy sau những va vấp trong quan hệ lao động.
Nhận diện mầm mống tranh chấp
Cách đây 4 năm, Công ty TNHH May Kiến Bình do ông Bình làm giám đốc liên tục ký được nhiều hợp đồng với đối tác, nhờ vậy gần 300 công nhân (CN) được bảo đảm việc làm thường xuyên. Việc làm ổn định cùng lương, thưởng khá nên tất cả CN đều mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, gần 1 năm trở lại đây, quan hệ lao động tại công ty diễn biến theo chiều hướng xấu khi ông Bình tin tưởng giao quyền quản lý DN cho một số thuộc cấp.
Đầu tiên là việc bộ phận phụ trách sản xuất đột ngột thay đổi định mức sản phẩm nhưng không thông báo trước khiến số đông CN ức chế. Khi tập thể CN có ý kiến, thay vì tiếp thu, người đứng đầu bộ phận này lại đề xuất phòng nhân sự "trù dập" số lao động hay khiếu nại. Việc xử lý kỷ luật người lao động (NLĐ) thiếu minh bạch; tùy tiện thay đổi nội dung trong hợp đồng lao động, địa điểm làm việc, đặc biệt là cắt bỏ các khoản phụ cấp của trưởng phòng nhân sự khiến mâu thuẫn giữa tập thể CN và đội ngũ cán bộ quản lý đẩy lên đến đỉnh điểm. Bức xúc với kiểu hành xử lạm quyền này, tập thể CN đã viết thư cầu cứu ban giám đốc. Tại hội nghị đối thoại định kỳ diễn ra trong tháng 9, trực tiếp lắng nghe ý kiến của CN và phản hồi từ các bộ phận liên quan, ông Bình đã không ngần ngại chỉ ra những sai sót có hệ thống của các cán bộ quản lý dưới quyền. "Chính cách hành xử tùy tiện, thiếu công tâm với NLĐ của các bạn đã đẩy quan hệ lao động tại DN đi vào ngõ cụt. Là quản lý, các bạn phải biết lắng nghe và sửa sai, có như vậy mới xác lập uy tín với anh em CN" - ông Bình lưu ý. Sau khi thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những bất ổn không đáng có trong quan hệ lao động, ông Bình đã gửi lời xin lỗi tập thể CN và cam kết sẽ sửa sai. Riêng đối với đội ngũ cán bộ quản lý lạm quyền, công ty quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Ứng xử có trách nhiệm với người lao động sẽ giúp doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động
Cũng mắc sai lầm trong điều hành quản lý mà tình hình quan hệ lao động tại Công ty TNHH M.D liên tục rối ren. Cụ thể, khi điều chỉnh lương tối thiểu, theo đề xuất của Công đoàn (CĐ) cơ sở, ban giám đốc đồng ý giữ nguyên các khoản phụ cấp (xăng xe, nhà trọ, chuyên cần)... và cụ thể hóa trong thỏa ước lao động tập thể để động viên NLĐ gắn bó lâu dài. Cam kết là vậy nhưng khi sản xuất gặp khó khăn, công ty đã xóa bỏ các khoản phụ cấp khiến CN bức xúc. Nhiều lần kiến nghị ban giám đốc khôi phục các khoản trợ cấp nhưng bất thành, tập thể CN cầu cứu các cơ quan chức năng can thiệp. Tại buổi hòa giải, khi được cơ quan chức năng chỉ ra sai sót, Công ty M.D mới đồng ý khôi phục quyền lợi cho CN. Bài học kinh nghiệm mà ban giám đốc công ty rút ra được sau vụ việc nói trên là biết sai thì phải sửa.
Hóa giải mâu thuẫn
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, pháp luật lao động quy định rất rõ quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) lẫn NLĐ. Do vậy, cả hai phía phải có ý thức tuân thủ để hạn chế mâu thuẫn không đáng có có thể dẫn đến tranh chấp. "Mọi mâu thuẫn dù nhỏ giữa hai phía cần được giải quyết thông qua thương lượng. Đúng - sai giữa các bên phải được phân tích, giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, có như vậy mới hóa giải mâu thuẫn từ gốc" - ông Quảng lưu ý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (quận Thủ Đức TP HCM), cho rằng khi xảy ra tranh chấp, nhất là tranh chấp về lợi ích, trước tiên NSDLĐ phải có thiện chí hòa giải. Ví dụ: Đối với những quyền lợi cơ bản của NLĐ đã được pháp luật bảo đảm, trách nhiệm của NSDLĐ là phải thực hiện đầy đủ. Còn khi phát sinh tranh chấp về lợi ích, NSDLĐ phải ngồi lại thương lượng với CĐ cơ sở - đại diện cho tập thể NLĐ. Ông Nghĩa dẫn chứng: "Khi thảo luận xây dựng các chế độ đãi ngộ cho NLĐ, giữa DN và CĐ cơ sở phải tìm được tiếng nói chung, hài hòa được lợi ích DN và NLĐ. Chính sách chăm lo phải được công bố công khai để NLĐ biết và giám sát. Làm tốt được điều này chắc chắn sẽ hạn chế được những phát sinh không đáng có trong quan hệ lao động".
Ở một góc nhìn khác, ông Võ Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm Anh Thư, nhìn nhận trong một số trường hợp, NSDLĐ phải chịu chút thiệt thòi để ổn định quan hệ lao động trước mắt. "Điều cốt lõi đối với DN sau những va vấp trong quan hệ lao động là phải xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ với CĐ cơ sở khi giải quyết những gút mắc trong quan hệ lao động" - ông Hải bày tỏ.
Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Hansae Việt Nam:
Phải có thiện chí
Xu thế hội nhập đòi hỏi NSDLĐ phải có ý thức tuân thủ luật, đặc biệt là minh bạch trong chính sách chăm lo bởi điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định quan hệ lao động tại DN. Khi xây dựng chính sách tiền lương, đặc biệt là chế độ đãi ngộ CN, NSDLĐ nên tham khảo ý kiến của CĐ cơ sở. Chỉ khi nào hai bên đạt được sự nhất trí cao thì DN mới thực hiện để tránh khiếu nại, thắc mắc không đáng có từ tập thể NLĐ. Về phía NLĐ, chỉ cần được đối xử công bằng thì họ cố gắng làm việc, vì sự phát triển của DN.
Bình luận (0)