Sáng 10-7, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp cùng Viện Công nhân Công đoàn (CĐ) và LĐLĐ TP HCM tổ chức tọa đàm tình hình tiền lương trong các doanh nghiệp (DN) dệt may và điện tử tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu phản ánh nhiều DN có đến 2 bảng lương, trong đó bản nộp cho cơ quan nhà nước về lao động khác bảng lương áp dụng tại DN. Nhiều DN cố tình phớt lờ bỏ qua vai trò của Công đoàn cơ sở khi thương lượng xây dựng thang bảng lương. Các DN xây dựng thang bảng lương 10 bậc, mỗi bậc cách nhau 5%, tuy nhiên CN làm việc đến 10 năm đã hết bậc. Đến bậc thứ 10, có DN tăng thêm 3%, có DN tăng 5% cho CN hết bậc. Nhiều đại biểu cũng cho biết hiện lương tối thiểu nhiều DN đã ở mức 4.780.000 đồng, cao hơn lương tối thiểu vùng (4.180.000 đồng) gây khó khăn cho CĐ cơ sở khi thương lượng cùng chủ DN...
Các đại biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, bà Trần Thị Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận xét tiền lương là vấn đề cốt lõi hiện nay. Có đến 90% vụ ngừng việc tập thể liên quan đến tiền lương, 80% vi phạm quan hệ lao động do DN không thực hiện đúng cam kết tiền lương, tiền thưởng. Trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có quy định CĐ cơ sở với sự hỗ trợ của CĐ cấp trên thương lượng về tiền lương, xây dựng thang bảng lương. Việc làm này thể hiện vị thế, vai trò của tổ chức CĐ trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Các đại biểu góp ý tình hình tiền lương trong các doanh nghiệp dệt may và điện tử tại Việt Nam
Để làm được vấn đề này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức đào tạo kiến thức cơ bản cho cán bộ CĐ ở 8 tỉnh, TP trên cả nước. Mỗi tỉnh cử 1 cán bộ CĐ cấp trên cơ sở, 1 cán bộ CĐ cơ sở và 1 cán bộ CĐ các KCX-KCN tham gia khóa đào tạo. Chương trình đào tạo các cán bộ CĐ thành chuyên gia trong 2 năm các kiến thức về tiền lương, kỹ năng thương lượng, đối thoại, xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể... Từ 3 chuyên gia này, các tỉnh sẽ nhân rộng mô hình để đào tạo cán bộ CĐ cơ sở về công tác tiền lương.
Bình luận (0)