Ngày 29-7, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 4 (khóa XII) tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ hai. Trong buổi sáng, hội nghị đã thảo luận, góp ý vào các tờ trình: Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác tài chính Công đoàn (CĐ); chương trình của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về "Nâng cao phúc lợi và lợi ích đoàn viên và người lao động (NLĐ)" giai đoạn 2019-2023; chương trình "Xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở ngoài khu vực nhà nước có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ"...
Phải tạo sự khác biệt
Góp ý tờ trình chương trình "Xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở ngoài khu vực nhà nước có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ", ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang, chỉ ra rằng chủ tịch CĐ ngoài khu vực nhà nước là đối tượng chịu nhiều áp lực nhất khi thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi đoàn viên và NLĐ. "Đối đầu trực diện với doanh nghiệp (DN), điều khiến cán bộ CĐ cơ sở lo nhất là bị mất việc làm và thu nhập, dẫn tới ảnh hưởng đời sống gia đình. Vì lý do này mà nhiều người không nhiệt tình bảo vệ quyền lợi đoàn viên, NLĐ" - ông Hiền phân tích. Do đó, để có đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở nhiệt huyết, dám đấu tranh để bảo vệ quyền lợi đoàn viên, NLĐ, theo ông Hiền, tổ chức CĐ cần phải có biện pháp bảo vệ họ hiệu quả, qua đó tạo được lòng tin trong họ. "Ngoài hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ, trước mắt cần có phụ cấp ưu đãi nhằm động viên họ an tâm công tác" - ông Hiền góp ý thêm.
Góp ý tờ trình chương trình của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về "Nâng cao phúc lợi và lợi ích cho đoàn viên và NLĐ", nhiều ý kiến đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần đẩy mạnh việc xây dựng các thiết chế CĐ tại các KCX-KCN để phục vụ đoàn viên, NLĐ. Việc này phải có quyết tâm cao, bởi với tốc độ triển khai như hiện nay còn chậm. Ông Phạm Thái Dương, Chủ tịch CĐ Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, cho biết đoàn viên, NLĐ rất mong mỏi được ở, sử dụng những cơ sở, vật chất của các thiết chế CĐ. Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam và chính quyền các địa phương cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm phục vụ đoàn viên và NLĐ. "Đi kèm với thiết chế là những dịch vụ tiện ích như siêu thị có bán những sản phẩm của DN đã ký thỏa thuận hợp tác chương trình phúc lợi đoàn viên với tổ chức CĐ. Nếu thực hiện được như trên, CĐ sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đoàn viên, NLĐ, qua đó thu hút NLĐ tham gia tổ chức CĐ" - ông Dương nói.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Long An, đề xuất cần xây dựng siêu thị CĐ tại mỗi KCN để đáp ứng nhu cầu của NLĐ. Riêng Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Cảnh, đề nghị cần thúc đẩy việc cấp thẻ mới cho đoàn viên CĐ để họ được hưởng các lợi ích từ chương trình phúc lợi cho đoàn viên; tạo sự khác biệt đối với NLĐ không phải là đoàn viên.
Nhân viên Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) trao vốn vay cho công nhân tại các KCX-KCN. Ảnh: NGỌC YẾN
Thực hiện tốt chức năng đại diện
Theo dự thảo chương trình "Nâng cao phúc lợi và lợi ích đoàn viên, NLĐ" giai đoạn 2019-2023, từ nay đến năm 2023 sẽ xây dựng 50 thiết chế CĐ tại các KCX-KCN. Các thiết chế bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, phòng y tế, khu văn hóa, thể thao, tư vấn pháp luật. Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chương trình "Mái ấm CĐ", hằng năm phấn đấu hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa từ 3.000 căn nhà trở lên cho đoàn viên CĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Hằng năm, 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành trung ương và tương đương tổ chức "Tết sum vầy", "Tháng Công nhân"; mỗi năm có hơn 3 triệu đoàn viên được hỗ trợ chăm lo Tết.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tham gia xây dựng pháp luật của tổ chức CĐ là nghiên cứu, tham gia xây dựng Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Các cấp CĐ đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, các cuộc tiếp xúc thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, NLĐ tham gia, tập trung vào một số nội dung lớn, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau như vấn đề tăng giờ làm thêm, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, về tổ chức đại diện NLĐ ở cơ sở... "Quan điểm nhất quán của tổ chức CĐ được đại bộ phận NLĐ và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ là sửa đổi luật phải hướng tới bảo đảm sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động, khẳng định sự tiến bộ, mang lại lợi ích tốt hơn cho NLĐ. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu các đặc thù và đánh giá tác động cụ thể đối với từng nhóm đối tượng được điều chỉnh, với từng phương án" - ông Hải nói. Bên cạnh đó, tổ chức CĐ cũng tiếp tục phát huy vai trò đại diện NLĐ trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, chủ động tích cực đàm phán, thương lượng với đại diện người sử dụng lao động, thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%.
Thực hiện chủ đề năm "Vì lợi ích đoàn viên CĐ", các cấp CĐ cả nước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đa dạng chăm lo lợi ích thiết thân với NLĐ. Các cấp CĐ tích cực tìm kiếm, đàm phán với các đối tác, ký kết 262 thỏa thuận hợp tác mới; tạo điều kiện thuận lợi để hơn 1,3 triệu lượt đoàn viên, công nhân, lao động tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi của đối tác với tổng số tiền hơn 63 tỉ đồng.
Nâng chất lượng hoạt động
Trong dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, đã có 4,6 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được chăm lo với tổng số tiền trên 3.024 tỉ đồng; kịp thời quan tâm NLĐ tại các DN có chủ bỏ trốn, DN không có khả năng chăm lo Tết cho NLĐ hay NLĐ mất việc làm, xa quê, có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê ăn Tết.
"Trong những tháng cuối năm, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, hoạt động CĐ các cấp sẽ tập trung vào thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; nâng cao chất lượng các hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên" - ông Trần Thanh Hải lưu ý.
Bình luận (0)