Hoạt động Công đoàn (CĐ) quận Gò Vấp, TP HCM những năm gần đây đã có sự đổi mới mạnh mẽ. Hầu hết nội dung hoạt động được đưa về cơ sở, đến gần người lao động (NLĐ) hơn; thu hút đông đảo đoàn viên, CNVC-LĐ tham gia và hưởng lợi từ các chương trình của CĐ…
Sát cánh cùng cơ sở
Hướng mọi hoạt động về cơ sở là chủ trương được LĐLĐ quận triển khai từ lâu nhưng hiệu quả không như mong đợi vì thiếu sự đồng thuận của doanh nghiệp (DN). Mặt khác, đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, lại thay đổi liên tục, thiếu tính chủ động và yếu về nghiệp vụ nên hoạt động khó khởi sắc. Hiểu được cái khó của cơ sở, năm 2015, LĐLĐ quận đã mạnh dạn thay đổi cách làm, cụ thể là đồng hành, hỗ trợ cơ sở nhiều hơn. Thay vì hướng dẫn cơ sở tổ chức phong trào như trước thì nay CĐ quận sẵn sàng "hợp tác" với cơ sở để tổ chức hoạt động tại DN.
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến - Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, TP HCM - tặng quà cho công nhân
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận, cho biết khi thí điểm, CĐ quận chỉ chọn một số CĐ cơ sở lớn hoặc cụm công nghiệp để phối hợp như Công ty Huê Phong, Cụm Công nghiệp Thạch Bình... LĐLĐ quận xuống tận DN gặp gỡ, vận động và thương lượng với chủ DN tạo điều kiện để LĐLĐ quận và CĐ cơ sở chăm lo tốt hơn cho NLĐ. Nội dung phối hợp được chọn lọc sao cho phù hợp với điều kiện của DN và đúng nhu cầu của NLĐ như tổ chức các sân chơi hay bồi dưỡng, rèn luyện tay nghề… "Sự thay đổi tạo nhiều áp lực cho cán bộ CĐ quận vì mất nhiều thời gian, công sức. Nhưng cách làm này đã có hiệu quả rõ rệt. Không chỉ giúp nhiều NLĐ biết đến CĐ, hưởng lợi từ CĐ mà còn giúp CĐ cơ sở tích lũy kinh nghiệm, nắm vững kỹ năng, nghiệp vụ; đồng thời khiến chủ DN có cái nhìn toàn diện hơn về CĐ" - bà Yến chia sẻ.
Rất trân trọng sự đồng hành của LĐLĐ quận, bà Lý Lệ Hà, Chủ tịch CĐ Công ty May Việt Sang, cho biết: "Khi DN còn đóng tại Cụm Công nghiệp Thạch Bình, LĐLĐ quận đã giúp đỡ CĐ cơ sở rất nhiều. Lực lượng cán bộ CĐ cơ sở vốn mỏng lại kiêm nhiệm nên khó hoạt động. Có CĐ cấp trên hỗ trợ, CĐ cơ sở sẽ bớt áp lực hơn".
Tạo điều kiện cho lao động nữ
Không chỉ sáng tạo trong hoạt động, CĐ quận Gò Vấp còn là điểm sáng trong chăm lo cho CNVC-LĐ, nhất là lao động nữ. Điển hình là việc vận động DN đông lao động nữ lắp đặt cabin sữa cho nữ công nhân (CN) nuôi con nhỏ. Bà Trần Thị Bích Thuận, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận, cho biết: "Việc nuôi con bằng sữa mẹ sau thời gian nghỉ thai sản luôn là nỗi lo lắng của nữ CN bởi họ không có điều kiện để vắt và trữ sữa. Đây là vấn đề đáng lưu tâm nhưng rất hiếm DN chủ động hỗ trợ".
Để hỗ trợ NLĐ, thời gian qua, LĐLĐ quận đã vận động các DN lớn tạo điều kiện lắp đặt cabin sữa tại DN. Đến nay, các công ty lớn như Huê Phong, Sedo Vina, Top One, Hoàn Vũ V.N… đều đã lắp đặt thành công cabin sữa với đầy đủ thiết bị như dụng cụ vắt sữa, bình đựng sữa, sổ theo dõi, tủ mát trữ sữa… Chị Đặng Thị Phượng, Công ty may Top One, vui mừng: "Sau khi đi làm, tôi cứ lo con không được bú sữa mẹ. Chuyện tế nhị nên CN cũng không dám có ý kiến. Vì vậy, khi thấy công ty có phòng vắt sữa riêng, tôi và nhiều nữ CN có con nhỏ rất vui".
Bồi dưỡng tay nghề cho 23.861 lượt CNVC-LĐ
Đại hội CĐ quận Gò Vấp khóa X sẽ khai mạc vào sáng 18-1. Nhiệm kỳ qua, quận Gò Vấp đã thành lập mới 389 CĐ cơ sở, phát triển 19.508 đoàn viên, đạt 108% kế hoạch. Các cấp CĐ quận đã chăm lo cho 154.816 lượt CNVC-LĐ với tổng trị giá hơn 242 tỉ đồng; tổ chức 106 lượt hội thi tay nghề cho 23.861 lượt CNLĐ… LĐLĐ quận còn phối hợp kiểm tra 1.162 DN nợ BHXH, BHYT và kiến nghị khắc phục với số tiền trên 62 tỉ đồng. Có 3 chủ tịch CĐ cơ sở đạt Giải thưởng 28-7 và 423 cán bộ CĐ đạt danh hiệu "Người cán bộ CĐ của chúng tôi".
Bình luận (0)