“Sau khi phát hiện mắc bệnh ung thư vú, tôi phải xin nghỉ việc tạm thời để điều trị bệnh suốt 2 năm trời. Trong thời gian ấy, vừa không có lương vừa điều trị bệnh tốn kém, tài sản trong nhà lần lượt ra đi, cuộc sống của gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn cùng cực. Do vậy, tôi rất muốn được nhận khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để trang trải cuộc sống và có thêm chi phí chữa bệnh. Vậy mà nhà nước không chịu trả BHTN cho tôi”. Chị Nguyễn Thị Sáng, nguyên là công nhân Công ty TNHH Matai (KCX Tân Thuận, TP HCM), vừa khóc vừa trình bày.
Đẩy người lao động vào thế khó
Chị Sáng làm việc tại công ty từ tháng 12-2004. Tháng 3-2013, khi phát hiện bị bệnh ung thư vú, chị xin nghỉ để điều trị bệnh. Thấy không còn đủ sức khỏe để làm việc, tháng 4-2015, chị xin nghỉ hẳn. Theo sổ BHXH đã chốt, chị có 4 năm 2 tháng tham gia BHTN (từ tháng 1-2009 đến tháng 2-2013) nhưng khi chị đi làm thủ tục hưởng BHTN thì bị từ chối. Khi ấy, chị Sáng cứ đinh ninh công ty không tham gia BHTN từ tháng 3-2013 đến tháng 4-2015 khiến chị không đáp ứng được điều kiện “tháng đóng liền kề” theo quy định.
Thực tế không phải vậy. Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM, trường hợp người lao động (NLĐ) nghỉ ốm dài ngày (từ 14 ngày làm việc trở lên) không hưởng lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH thì thuộc đối tượng tham gia BHTN trong thời gian này. Do đó, dù chị Sáng không tham gia BHTN một thời gian song vẫn được xem là liên tục.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định về điều kiện hưởng của Luật Việc làm (điều 49) thì NLĐ ký HĐLĐ không xác định thời hạn như chị Sáng phải đáp ứng thêm tiêu chí nữa là “đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ” thì mới được hưởng BHTN. Việc chị Sáng không được hưởng BHTN là do không đáp ứng tiêu chí này.
Chị Sáng cho biết: “Tôi đã 45 tuổi, sức khỏe rất yếu, hơn nữa do di chứng của đợt phẫu thuật vừa qua, cánh tay phải của tôi không còn vận động được như xưa (chỉ còn 30% sức lao động) nên không thể tìm việc làm để tham gia BHTN tiếp. Như vậy, tôi sẽ vĩnh viễn không thể nhận trợ cấp thất nghiệp cho thời gian đã đóng BHTN”.
Quá bất công với người tham gia bảo hiểm
Cũng có nguy cơ bị mất trắng quyền lợi là trường hợp của ông Võ Văn Hu, 64 tuổi, ngụ tại quận 4, TP HCM. Ông Hu làm việc tại Công ty CP Bất động sản Hoàng Anh (quận 7, TP HCM) từ tháng 9-2007. Tháng 7-2014, do sức khỏe yếu, ông xin nghỉ việc nhưng vì công ty nợ BHXH nên đến cuối năm 2014, ông mới được chốt và trả sổ BHXH. Lúc đó đã quá hạn đăng ký thất nghiệp (3 tháng) nên ông không được giải quyết chế độ. “Cán bộ giải quyết vụ việc nói với tôi là tiền BHTN của tôi không mất mà được bảo lưu và cộng dồn nếu sau này tôi tiếp tục tham gia. Thử hỏi có nơi nào còn nhận lao động lớn tuổi như tôi vào làm việc mà bảo đóng tiếp để cộng dồn?” - ông Hu bức xúc.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, từ khi thực hiện chính sách BHTN (năm 2009) đến nay, số thu BHTN hằng năm đều cao hơn nhiều lần so với số chi và kết dư quỹ BHTN ước tính đến cuối năm 2014 là 41.558 tỉ đồng. Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP HCM, để bảo đảm tối ưu quyền lợi NLĐ thì kết dư quỹ BHTN phải tiến tới mức bằng 0. Kết dư quỹ BHTN quá lớn không phải là tín hiệu đáng mừng mà là đáng lo vì nó phản ánh sự không công bằng đối với người tham gia.
Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Ánh Thu - Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, TP HCM - dẫn chứng: Luật Việc làm có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đã mở rộng thêm đối tượng tham gia BHTN bắt buộc là NLĐ làm việc theo hợp đồng mùa vụ từ đủ 3 tháng trở lên đến dưới 12 tháng. Nhưng khi những đối tượng này nghỉ việc và sau đó không tham gia tiếp nên không đủ điều kiện hưởng BHTN (phải đóng từ đủ 12 tháng trở lên), vậy trường hợp này giải quyết thế nào? Nếu không chi trả cho họ theo chính sách hiện hành thì liệu đã tuân thủ đúng nguyên tắc đóng - hưởng và công bằng với NLĐ?
Bình luận (0)