Thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang ở giai đoạn phát triển nhanh về du lịch, dịch vụ, nhất là cơ sở lưu trú với nhiều khách sạn 4 - 5. Chính sự phát triển quá nhanh này đã khiến đảo ngọc luôn thiếu hụt nhân sự về du lịch. Theo thống kê, ngành du lịch TP Phú Quốc đang thiếu khoảng 40% lực lượng lao động có trình độ, tay nghề.
Thiếu nhân viên có tay nghề
Hiện Phú Quốc có khoảng 2.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các dịch vụ có liên quan. Rất nhiều nhà điều hành khách sạn (kể cả những khách sạn sắp khai trương) thừa nhận đang làm mọi cách để săn đón, tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, tính đến nay, số lao động làm việc trong lĩnh vực này ở Phú Quốc không đáp ứng được nhu cầu.
Theo đại diện New World Phú Quốc Resort, nhân sự trong ngành du lịch ở Phú Quốc càng mỏng sau thời gian các nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa vì dịch Covid-19, nhiều lao động đã tìm được công việc mới và không trở lại. Vị này cho rằng không lo thiếu khách mà chỉ sợ thiếu nhân viên phục vụ, bởi resort này có 370 biệt thự và 2 nhà hàng cần khoảng 600 nhân viên phục vụ. "Tuy nhiên, sau nhiều tháng thông báo tuyển dụng, chỉ có hơn 300 nhân viên đến làm việc, trong đó có trên 50% lao động thời vụ chưa được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ hoặc có đào tạo nhưng chưa bài bản, chuyên sâu, thời gian làm việc không ổn định" - đại diện New World Phú Quốc Resort nói.
Ngành du lịch ở Phú Quốc không lo thiếu khách mà chỉ thiếu nhân sự phục vụ Ảnh: HOÀNG DUNG
Ông Lê Trung Thực, Giám đốc tiền sảnh Sunset Sanato Resort and Villas, cho biết đơn vị thiếu khoảng 30% nhân viên có trình độ, tay nghề để đáp ứng các nhu cầu hoạt động của công ty. Những lúc cao điểm, DN phải chấp nhận trả lương cao để thu hút nhân sự. "Lao động chịu làm việc thì chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, trong khi lao động chất lượng cao không mặn mà bởi mức thu nhập chưa đáp ứng kỳ vọng so với chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Phú Quốc" - ông Thực nhìn nhận.
Thu nhập chưa tương xứng
Nhiều chủ khách sạn, resort tại Phú Quốc lo lắng với tình trạng nhân lực như hiện nay, nếu lượng khách tăng cao đột ngột trong dịp nghỉ lễ 2-9 thì ngành du lịch chắc chắn sẽ rơi vào thế bị động.
"Dự báo lượng khách đến Phú Quốc vào các dịp lễ tăng đột biến, trong khi nhân viên phục vụ quá mỏng. Để chữa cháy, đích thân tôi phải ra đường thuê cả người bán vé số, người nhặt ve chai từ 700.000 đến 1 triệu đồng/người/ngày để phục vụ du khách" - chủ một resort ở phường Dương Đông, TP Phú Quốc, cho biết. Việc các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch tại Phú Quốc sẵn sàng thuê lao động thời vụ với giá cao chỉ là giải pháp tình thế trong những ngày hút khách.
Trong khi đó, lao động làm việc lâu dài thì chỉ được trả mức lương bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông. Mức lương này không theo kịp chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Phú Quốc. Chị Huỳnh Mỹ Dung, nhân viên chăm sóc khách hàng của một khách sạn 4 sao tại phường Dương Đông, cho biết vừa trong đất liền ra nhận việc được hơn 6 tháng, với mức lương khởi điểm trên 8 triệu đồng/tháng. "Với mức thu nhập như thế nếu ra ngoài thuê nhà và tự nấu ăn sẽ không sống nổi. Nhờ công việc đặc thù, được bao ăn, ở nên mức thu nhập của tôi tạm chấp nhận được" - chị Dung cho biết.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, tình trạng thiếu hụt nhân lực của ngành du lịch Phú Quốc nếu không có giải pháp căn cơ sẽ cản trở đà phát triển của đảo ngọc. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao, hiện nhiều DN hoạt động trong ngành du lịch ở Phú Quốc đã ký liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh để tạo nguồn nhân lực có tay nghề, kèm theo đó là những chính sách thu hút người lao động như: Đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên, hỗ trợ ăn, ở... để họ an tâm gắn bó với công việc. Ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, cho rằng: "Sự kết nối này sẽ khẳng định thương hiệu của các điểm trường trên địa bàn tỉnh trong công tác nâng cao chất lượng nhân sự đầu ra trong tương lai" - ông Sơn nhấn mạnh.
Bình luận (0)