Du lịch tỉnh Quảng Bình đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, khi lượng khách đến tỉnh này trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng đột biến. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đang thiếu hụt trầm trọng lao động để phục vụ du khách.
Khó tuyển nhân viên
Từ tháng 3 đến nay, trên các diễn đàn tìm việc làm, mạng xã hội, nhiều chủ khách sạn, nhà hàng ở Quảng Bình rao tuyển lao động hết sức khẩn trương nhưng không thể tìm đủ người.
Qua tìm hiểu, các vị trí việc làm được tuyển dụng nhiều nhất là nhân viên dọn phòng, lễ tân, phụ bếp, bảo trì... Chị Hoàng Thị Thu Nga, quản lý một khách sạn 4 sao ở TP Đồng Hới, thông tin là 5 tháng qua, khách sạn nơi chị làm việc luôn xảy ra tình trạng "cháy" phòng. Tuy vậy, khách sạn chỉ mới tuyển được 8 nhân viên dọn phòng, lễ tân, phụ bếp, trong khi nhu cầu thực tế là 15 người.
Hằng ngày, chị lên Facebook, Zalo rao tuyển nhưng vẫn không tìm ra người. "Khách sạn có gần 100 phòng nghỉ nhưng nhân viên quá ít nên phải làm việc cật lực từ sáng tới tối. Nhiều lúc tôi cũng phải xắn tay áo để làm cùng họ" - chị Nga nói. Ông Lê Thanh Toàn, chủ một khách sạn ở thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch), cho biết hiện rất khó tuyển được lao động có kinh nghiệm, nên buộc phải sử dụng lao động làm việc bán thời gian, chủ yếu là sinh viên.
Khách du lịch đến tỉnh Quảng Bình ngày càng đông nhưng địa phương này lại thiếu lao động phục vụ
Theo Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, nhiều khách sạn, nhà hàng trên địa bàn đang thiếu trên 50% lao động, nhất là các khách sạn thấp sao. Sau dịch Covid-19, việc tuyển nhân viên nhà hàng, lễ tân rất khó vì công việc đòi hỏi có kinh nghiệm. Còn nhân viên dọn phòng, phụ bếp, bảo trì với mức lương còn thấp nên nhiều người không mặn mà" - ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, nhìn nhận.
Cần đãi ngộ tốt
Tỉnh Quảng Bình hiện có 507 cơ sở lưu trú du lịch với 8.247 phòng nghỉ và gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có nhu cầu sử dụng hơn 7.000 lao động trực tiếp và 12.000 lao động gián tiếp. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, hơn phân nửa trong số đó đã nghỉ việc và đa phần đã chuyển nghề có thu nhập cao hơn.
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, đơn vị đang triển khai các giải pháp, phối hợp với những cơ sở đào tạo nhân lực du lịch uy tín tổ chức 2 khóa học ngắn hạn nhằm đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch; 1 khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên trên địa bàn tỉnh. Đối với nguồn nhân lực tự do làm việc trực tiếp tại các địa phương có sản phẩm du lịch, nhà nghỉ, homestay..., sở đã tổ chức 4 lớp bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp, kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng dân cư. Đồng thời "cầm tay chỉ việc" cho các nhóm lao động này.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết khi du lịch hoạt động trong điều kiện "bình thường mới", các DN đã tập trung tuyển chọn và đào tạo nhân lực nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây cũng là vấn đề đã được dự báo từ trước. Việc thiếu lao động có thể dẫn đến nguy cơ giảm chất lượng dịch vụ trong giai đoạn thích ứng toàn diện sắp đến. "Để giải quyết bài toán thiếu lao động, DN cần có chế độ đãi ngộ tốt để thu hút lao động. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp với sở, ngành địa phương, các cơ sở đào tạo để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu kinh doanh" - ông Quý nêu quan điểm.
Quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng ngành du lịch khách sạn cần có chính sách đãi ngộ tốt, bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, từ đó sẽ giúp duy trì những yếu tố mạnh đối với ngành. Quan tâm đến phúc lợi cho người lao động là văn hóa của DN; đánh giá môi trường làm việc, ca kíp để có những giải pháp tích cực giúp người lao động phát huy khả năng, qua đó họ mới gắn bó với DN lâu dài.
Bình luận (0)