Trong khi những doanh nghiệp (DN) có hàng ngàn lao động đã ổn định sản xuất ngay sau kỳ nghỉ Tết thì những DN nhỏ và vừa lại gặp khó khăn vì nhân sự trong công ty liên tục "nhảy việc".
Dứt áo ra đi
Để phục vụ cho kế hoạch tăng trưởng nhanh trong năm 2018, từ trước Tết nguyên đán, Công ty V.M Group (quận Gò Vấp, TP HCM) đã có kế hoạch tuyển thêm 20 nhân sự ở nhiều vị trí khác nhau. Sau hơn 2 tháng rao tuyển, công ty vẫn chưa tìm đủ ứng viên. Việc tuyển nhân sự mới chưa xong thì đầu tháng 3 tại công ty lại có thêm 5 nhân sự nộp đơn xin nghỉ việc.
Người lao động tìm kiếm việc làm tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức
Bà Nguyễn Kiều Như, trưởng bộ phận nhân sự của công ty, cho biết dù mức thu nhập và các chính sách đãi ngộ cho nhân viên của công ty tương đối tốt nhưng tình trạng nhảy việc vẫn xảy ra thường xuyên.
"Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nên đội ngũ nhân sự ở đây rất trẻ. Sức trẻ rất quan trọng trong ngành này nhưng đó lại là những nhân sự đầy cá tính, các bạn luôn ở tư thế trải nghiệm và chỉ cần một nơi nào đó chào mời với mức lương nhỉnh hơn một tí hay nơi làm việc tốt hơn là các bạn nói lời chia tay ngay" - bà Như than thở.
Với nhiều lý do khác nhau, 7 nhân sự của Công ty V.A.D (quận Tân Bình, TP HCM) gồm cả bộ phận văn phòng và kinh doanh xin nghỉ việc. Là công ty chuyên phân phối hàng tiêu dùng tươi sống với 30 nhân viên nên việc có đến 7 nhân viên xin nghỉ cùng một lúc khiến công ty gặp không ít khó khăn khi tuyển người thay thế.
Bà Huỳnh Thị Thùy Linh, giám đốc công ty, cho biết giữa công ty và 7 nhân sự này không hề có mâu thuẫn gì. Trước Tết, công ty vẫn chi trả lương, thưởng đầy đủ. Trong 7 nhân sự này có 3 người sẽ được tăng lương kể từ tháng 4 năm nay và mức thu nhập bình quân năm 2017 của các nhân sự này cũng rất khá. "Đây cũng là những nhân sự gắn bó ngay từ đầu với công ty và được đào tạo bài bản, am hiểu thị trường, thậm chí có người dự kiến được đôn lên làm quản lý trong thời gian tới. "Vậy mà các bạn vẫn dứt áo ra đi và chúng tôi lại phải tuyển người, đào tạo lại, rất mất thời gian. Tôi được biết một công ty đối thủ đã thuyết phục cả nhóm này về đầu quân cho họ với mức lương cao hơn và gần như đều ở các vị trí quản lý" - bà Linh cho biết.
Vì đâu nên nỗi?
Khảo sát "Thế hệ Y (sinh năm 1980 đến 1996) người Việt - Tham vọng sự nghiệp và khát vọng khởi nghiệp" do Navigos Group tiến hành cho thấy 69% ứng viên thế hệ Y cho rằng họ đang cân nhắc chuyển việc và có đến 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty.
Theo các chuyên gia nhân sự, có rất nhiều nguyên nhân khiến người lao động (NLĐ) nhảy việc, có thể là do khách quan hoặc chủ quan đến từ cả DN và NLĐ. Đặc biệt có thể do "cuộc chiến" giành giật nhân tài giữa các đối thủ cạnh tranh, do áp lực công việc hay phúc lợi cao đã tác động không nhỏ đến NLĐ đang làm việc.
Một số nghiên cứu gần đây lại cho thấy nguyên nhân chủ yếu khiến NLĐ nhảy việc là vì họ không có cơ hội cống hiến, tự khẳng định mình. Họ muốn được thừa nhận, được thăng tiến, phát triển nghề nghiệp và được hưởng những quyền lợi đúng với công sức của mình nhưng DN lại không đáp ứng được nhu cầu đó.
Bà Phạm Kim Tuyến, một nhân sự cấp cao về truyền thông tại TP HCM, kể: "Tôi vừa xin nghỉ vì công ty không chịu lắng nghe nguyện vọng của tôi cũng như mấy chục nhân viên khác. Lương tôi hơn 40 triệu đồng nhưng đóng bảo hiểm chỉ trên mức lương là 11 triệu đồng. Việc này khiến cho NLĐ sẽ mất rất nhiều quyền lợi về sau, tôi đã phản ánh đến bộ phận nhân sự nhưng không được trả lời. Thêm nữa, với vị trí quản lý bộ phận truyền thông, tôi cần nhiều thời gian cho việc tiếp xúc bên ngoài nhưng bộ phận hành chính luôn bắt tôi phải sáng đến trình diện quẹt thẻ, chiều phải quẹt thẻ ra về, nếu không như thế thì coi như ngày đó không được tính công. Tôi đã nhiều lần góp ý về chuyện này phải áp dụng sao cho linh hoạt, đúng người chứ không nên cứng nhắc như vậy. Vài lần không tìm được sự chia sẻ nên tôi chọn giải pháp rời công ty dù không hề muốn".
Doanh nghiệp cần có chiến lược quản trị nhân sự
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng những nhân sự giỏi, có năng lực thường tìm đến những công ty có thể giúp họ phát triển toàn diện cả về kỹ năng cá nhân cũng như chuyên môn. Để đạt được mong muốn đó, họ phải đi tìm cho mình một nơi làm việc thích hợp nên hiện tượng "nhảy việc" là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa với kỷ nguyên 4.0, việc cạnh tranh nhân sự thật sự là một cuộc chiến khốc liệt của các DN khi các DN nước ngoài đẩy mạnh kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, các DN nên thay đổi chiến lược quản trị nhân sự để thu hút và giữ chân người tài cho DN càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)