Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, suất ăn có giá trị như vậy chắc chắn không thể bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là yêu cầu tái tạo sức lao động cho CN.
Chất lượng bữa ăn đóng vai trò quyết định đến việc bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe lâu dài cho CN. Số liệu khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy nhiều doanh nghiệp (DN) chưa thực sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe lâu dài cho nguồn lực, bắt đầu từ việc cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày.
Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu một lao động ăn đủ khẩu phần thì năng suất lao động sẽ tăng 20%. Dù vậy, nhiều DN vẫn “giao khoán” chất lượng bữa ăn CN cho các nhà thầu và cơ sở chế biến suất ăn sẵn bên ngoài, xem nhẹ an toàn tính mạng và sức khỏe người lao động.
Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm mới đây đã cảnh báo bếp ăn tập thể cho CN và cơ sở chế biến suất săn sẵn là khu vực có tần suất xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể cao hơn các khu vực khác. Mười tháng đầu năm 2015, cả nước xảy ra 150 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó riêng bếp ăn tập thể là 33 vụ. 70% vụ ngộ độc do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản thức ăn và 30% do bếp ăn tại chỗ.
Phần lớn CN tại các KCN chủ yếu là nữ. Do vậy, chất lượng bữa ăn kém sẽ ảnh hưởng tới khả năng làm việc và tác động xấu đến sức khỏe sinh sản, duy trì nòi giống. Trong những lần đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu, nhiều DN nại đủ lý do để kỳ kèo tăng lương, trong đó có nhắc đến vấn đề năng suất lao động của CN quá thấp. “Không quan tâm cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày thì DN không thể đòi hỏi người lao động cải thiện năng suất lao động và gắn bó lâu dài” - ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, bày tỏ.
Bình luận (0)