Mới đây, sau nhiều ngày ngừng việc yêu cầu giám đốc xem xét lại mức khoán sản phẩm mới nhưng bị khước từ, hơn 100 trong tổng số gần 180 công nhân (CN) may Công ty TNHH Sản xuất May mặc Tao Nhã (huyện Hóc Môn, TP HCM) đã xin thôi việc. CN cho hay bên cạnh lo lắng không đáp ứng được mức khoán sản phẩm mới, cách quản lý theo kiểu áp đặt của công ty chính là nguyên nhân khiến họ quyết định nghỉ việc.
Bị trừ lương mới biết chính sách mới
Theo CN phản ánh, đầu năm 2016, công ty tiến hành điều chỉnh lương tối thiểu vùng của CN thêm 450.000 đồng/tháng, đồng thời nâng mức khoán sản phẩm của CN từ 2 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng/tháng (mức khoán được tính căn cứ theo đơn giá trên tem phiếu do công ty tự định ra cho từng công đoạn). Nếu CN không đạt sẽ bị trừ 300.000 đồng tiền trách nhiệm. CN tên Loan cho biết mức khoán này quá cao, CN khó đáp ứng nổi nên chắc chắn sẽ bị trừ tiền trách nhiệm. “Với mức khoán hiện tại, chúng tôi phải tranh thủ làm việc cả trong giờ nghỉ trưa và làm thêm giờ vào buổi tối mới đạt được. Công ty biết điều đó nhưng vẫn cố tình nâng đơn giá. Phải chăng công ty cố tình trừ tiền trách nhiệm để bù đắp vào khoản tăng lương?” - chị Loan bức xúc.
Đáng nói hơn là trước khi áp dụng mức khoán mới, công ty không hề thông báo cho CN, chỉ đến khi nhận được kỳ lương tháng 1 (được trả vào tháng 2-2016) và bị trừ tiền, CN mới biết. Làm việc với cơ quan chức năng, công ty cho rằng không hề làm trái với thang, bảng lương năm 2016 đã đăng ký với cơ quan lao động. Công ty còn cho rằng tiền trách nhiệm là khoản thưởng cho CN đạt năng suất cao được ghi rõ trong thỏa ước lao động chứ không phải phụ cấp nên việc tăng giảm, cắt bỏ không vi phạm quy định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng (tăng lương không được cắt các khoản phụ cấp đang thực hiện). Với những lý lẽ trên, công ty cương quyết từ chối đề nghị của CN là chỉ nâng mức khoán lên 2,2 triệu đồng, đồng thời ra tối hậu thư “ai không đồng ý thì nộp đơn xin nghỉ việc”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi xây dựng thang, bảng lương mới, công ty không hề công bố cho CN biết. Bên cạnh đó, CN cũng không được tham khảo ý kiến và không hề biết nội dung của bản thỏa ước lao động mà công ty viện dẫn.
Tuyên truyền nửa vời
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, khi đặt ra chính sách mới, để tránh tranh chấp, doanh nghiệp không thể bỏ qua việc trưng cầu ý kiến của tập thể NLĐ bởi họ chính là đối tượng bị tác động trực tiếp từ chính sách ấy. Nếu chưa đạt được sự đồng thuận thì khả năng gây tranh chấp là khó tránh.
Đây cũng là bài học mà Công ty Pou Chen Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) rút ra từ cuộc tranh chấp lao động tập thể diễn ra nhiều ngày qua. Ngay khi thông báo chính sách đánh giá hiệu quả công việc của công ty được ban hành, hơn 17.000 CN lập tức ngừng việc để phản đối. CN tên Dương bức xúc: “Việc trừ điểm nghỉ phép để xếp loại lao động A-B-C của công ty là quá khắt khe gây thiệt thòi cho chúng tôi. Cụ thể, CN nào nghỉ không phép sẽ bị trừ 13 điểm, nghỉ có phép cũng bị trừ 3 điểm. Trường hợp CN bị trừ 13 điểm thì bắt buộc phải xếp loại C. Khi bị xếp loại C thì cuối tháng hay cuối năm, chúng tôi đều bị cắt hết các khoản trợ cấp và tiền thưởng. Đáng nói là chính sách này được đưa ra đột ngột, CN không hề nghe thông báo”.
Làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, đại diện công ty cho biết: “Trước khi chính sách này được đưa ra, công ty đã vận động liên tục và tuyên truyền cho các cán bộ nắm rõ”. Song theo CN, chính sách này chỉ được tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ của công ty, NLĐ không hề hay biết, trong khi chính họ mới là đối tượng bị điều chỉnh bởi chính sách mới ấy.
Bình luận (0)