Công nhân Nhà máy Ô tô thương mại SAMCO được tuyển dụng và đào tạo bài bản để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại Ảnh: VĨNH TÙNG
Doanh nghiệp (DN) chấp nhận bỏ tiền túi để chăm lo cho họ; đi học là cũng vì tương lai lâu dài của họ, ý thức kém và kỹ năng nghề hạn chế thì làm sao hội nhập và có cơ hội thăng tiến?” - ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP HCM), bức xúc.
Với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh, công ty ông Bình quyết định đầu tư một dàn thiết bị mới nhập từ nước ngoài. Trước khi dàn máy này về Việt Nam, ban giám đốc giao phòng nhân sự sàng lọc, tuyển lựa những công nhân (CN) ưu tú nhất để cử đi học khóa vận hành máy do đối tác cung ứng thiết bị tổ chức. Đến khi chọn được 5 CN có tay nghề 5/7 thì có đến 3 người lấy lý do hoàn cảnh gia đình để thoái thác việc học. Thuyết phục không xong, công ty đành phải cử 3 CN khác có bậc thợ thấp hơn để thay thế.
Điều khiến ông Bình và các thành viên trong ban giám đốc cảm thấy thất vọng là nhóm CN từ chối đi học vốn là những cá nhân tiêu biểu, kiến thức và kỹ năng nghề vượt trội so với đồng nghiệp khác. Chuyện xảy ra tại Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình đã chỉ ra một thực tế rằng sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ và tâm lý ở một bộ phận lao động Việt Nam trong xu thế hội nhập chưa cao, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa được thành lập. Nếu thiếu các kỹ năng cần thiết (tay nghề lẫn ngoại ngữ), lao động Việt Nam khó trụ lại lâu dài với nghề chứ chưa bàn đến làm việc tại các nước trong khu vực. Thấy được thực trạng đó, để chuẩn hóa nguồn lực, ngoài xây dựng cơ chế tiền lương hợp lý, nhiều DN đặc biệt quan tâm xây dựng tiêu chuẩn tuyển dụng, đào tạo khắt khe để từng bước chuẩn hóa nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình hội nhập.
Chẳng hạn như tại Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO), việc xây dựng các tiêu chuẩn nghề gắn liền với chức danh mà người lao động (NLĐ) đảm trách. Trên cơ sở đánh giá năng lực và hiệu quả công việc của NLĐ hằng năm, SAMCO sẽ có chính sách đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho NLĐ. “Được tạo điều kiện tối đa để chuẩn hóa kiến thức, tay nghề, thậm chí cả cơ hội thăng tiến, nếu không biết tận dụng cơ hội thì NLĐ phải xem lại bản thân mình” - ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc SAMCO, bày tỏ.
Tham gia vào thị trường lao động, hơn ai hết, NLĐ cần hiểu họ phải bán những thứ mà DN cần mua (kiến thức, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề) để từ đó tìm hiểu, bổ sung và hoàn thiện những kỹ năng cần thiết. “Bản thân NLĐ phải biết trân trọng sự hỗ trợ và chắt chiu cơ hội mà DN đã tạo ra để làm mới mình, nếu không sẽ đối diện với nguy cơ tụt hậu” - ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, lưu ý.
Bình luận (0)