xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng quá căng thẳng

Bạch Đằng

Trong nhiều tình huống, chỉ cần hai phía bình tĩnh, thiện chí, khéo léo thì sự việc có thể kết thúc tốt đẹp chứ không phát sinh thêm rắc rối, kiện tụng

Ghi nhận qua nhiều vụ tranh chấp lao động cho thấy nhiều trường hợp người lao động (NLĐ), đặc biệt là người trẻ, có xu hướng nóng vội khiến cho sự việc lẽ ra được giải quyết êm xuôi lại trở thành phức tạp. Thiệt thòi đôi khi lại thuộc về NLĐ.

Hai bên đều giành phần đúng

Chị H.T.P làm việc cho Công ty C.V hơn 3 năm. Khi nghỉ việc, chị không lấy sổ BHXH. Gần 1 năm sau, khi công ty mới yêu cầu sổ BHXH để đóng tiếp, chị P. quay lại công ty cũ đòi. Lúc này, doanh nghiệp (DN) bảo đã mất sổ nên không trả lại cho chị.

Theo chị P., việc DN không trả lại sổ BHXH cũng như không giải quyết tháng lương cuối cho chị là trái pháp luật. “Sổ BHXH trước đây do công ty quản lý, như vậy họ phải có trách nhiệm bảo quản sổ cho tôi. Nếu mất mát hay thất lạc do thay đổi nhân sự như công ty nói thì họ phải có trách nhiệm làm lại và trả cho tôi chứ sao bắt tôi phải tự làm sổ mới?” - chị P. bức xúc.

Khi phát sinh tranh chấp, điều đầu tiên là hai bên phải bình tĩnh, lắng nghe nhau Ảnh: MAI CHI
Khi phát sinh tranh chấp, điều đầu tiên là hai bên phải bình tĩnh, lắng nghe nhau Ảnh: MAI CHI

Khi hỏi cơ quan BHXH thì chị P. được xác nhận rằng công ty đóng đầy đủ BHXH cho chị đến trước khi nghỉ việc. Tuy nhiên, qua nhiều lần tiếp xúc DN, chị cho rằng công ty cố tình không trả chứ không phải thất lạc. Chị P. suy đoán như vậy là vì có lần chính giám đốc đã nói: “Nếu bây giờ công ty bảo mất sổ rồi thì sao? Em cứ kiện đi rồi công ty theo kiện”.

Đem sự việc của chị P. trao đổi với giám đốc điều hành công ty thì được biết, chị được nhận vào làm việc khi còn đang đi học. Thấy P. phải đi học nên công ty chỉ ký hợp đồng thời vụ để chị chủ động, linh hoạt thời gian học hành. Đến khi chị P. nghỉ việc thì không hề báo trước mà chỉ báo nghỉ bệnh qua điện thoại xong rồi “lặn” mất.

Vị giám đốc điều hành gay gắt: “Công ty đã hết sức tạo điều kiện cho cô ấy vừa làm vừa học suốt mấy năm, vậy mà kiếm được việc khác tốt hơn lại nghỉ ngang, để lại bao nhiêu cái khó cho công ty. “Lặn” mất 1 năm, cô mới quay lại hỏi sổ BHXH. Chúng tôi nghĩ dù sao thì cô ấy cũng mới ra trường, còn trẻ người non dạ, ứng xử chưa tốt, chỉ cần một lời xin lỗi hay một lời giải thích là đủ. Thế nhưng, cô ấy vẫn khăng khăng theo luật là phải thế này thế kia, xong rồi hô hoán lên mạng xã hội rằng công ty làm sai luật. Thật tình là nếu muốn xử theo luật, công ty cũng sẽ làm theo luật chứ không tình cảm gì cả”.

Bít đường thương lượng

Một trường hợp khác là chị V.K.N, làm việc cho công ty phân phối hàng hóa P.V. Khi công ty khai trương cửa hàng mới, để kích thích nhân viên, vị trưởng bộ phận thông báo sẽ đề xuất khen thưởng nếu họ đạt chỉ tiêu bán hàng theo quy định. Sau đó, vị trưởng bộ phận này nghỉ việc.

Khi kết thúc 2 tháng làm việc đầu tiên, dù N. đạt chỉ tiêu nhưng công ty vẫn không phát thưởng. Chị thắc mắc với quản lý cấp cao thì vị này trả lời DN vẫn đang xem xét; việc hứa thưởng trước đây của trưởng bộ phận cũ chỉ mới là đề xuất chứ không phải là chính sách chính thức.

Bất bình, chị N. xin nghỉ việc, đòi giải quyết tiền lương và gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng về việc công ty không giữ lời hứa về tiền thưởng. Lúc này, sự việc trở nên căng thẳng. Công ty chỉ giải quyết lương và một khoản thưởng nhỏ.

Vị đại diện công ty cũng bức xúc: “Thực tế, công ty vẫn đang theo dõi và sẽ có mức thưởng. Tuy nhiên, chị N. lại đùng đùng nghỉ việc; khiếu nại thì quá gay gắt kiểu như kết án công ty lừa đảo, lật lọng. Ngay cả tôi lớn tuổi hơn rất nhiều mà cô ấy vẫn nói thẳng vô mặt “cái miệng của chị” thế này thế kia thì quả thật không còn đường để nói chuyện với nhau nữa rồi. Cô ấy mà kiện, công ty sẽ theo. Công ty không làm gì sai luật”.

Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, trong thực tế, có rất nhiều tranh chấp nhỏ nhưng hai bên xử lý không khéo dẫn đến tình trạng “chuyện bé xé ra to”. “Tranh chấp phát sinh là chuyện bình thường trong quan hệ lao động. Tất nhiên, nếu hai bên vẫn khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình thì sẽ phân xử theo quy định của pháp luật. Qua thực tế xử lý, tôi thấy trong nhiều tình huống, chỉ cần hai phía bình tĩnh, thiện chí, khéo léo một chút thì sự việc có thể kết thúc tốt đẹp bằng thỏa thuận chứ không làm nảy sinh thêm rắc rối, kiện tụng ra tòa. Trong quan hệ lao động, rất cần sự tôn trọng lẫn nhau của hai bên” - ông nhìn nhận.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo