Nhưng thực tế nhiều công nhân (CN) phải làm thêm giờ vượt hơn nhiều so với quy định, tuy nhiên thu nhập từ tiền làm thêm giờ, tăng ca lại không đáng là bao. Trước việc Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến sẽ tăng thêm thời gian làm thêm giờ, nhiều người đang nghi ngại liệu người lao động (NLĐ) có bị vắt kiệt sức lao động?
Tăng giờ nhiều, tăng thu nhập ít
Theo nghiên cứu của Viện CN và Công đoàn (CĐ), ngành may là điển hình của tình trạng tăng ca nhiều.
Cụ thể, thời gian tăng ca của CN trong ngành này trung bình từ 47- 60 giờ/tháng (trong khi quy định của pháp luật là 30 giờ/tháng). Tuy nhiên, trung bình thu nhập từ tăng ca của họ chỉ là hơn 1.336.000 đồng/người/tháng, chiếm khoảng 22,4% tổng thu nhập. Pháp luật quy định thời giờ làm thêm của lao động ngành may tối đa là 300 giờ/năm, nhưng thực tế các doanh nghiệp (DN) đã cho làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm…
Nếu không tăng ca thì chắc chắn công nhân khó trang trải cuộc sống trước mắt, nhất là công nhân có gia đình ẢNH: KHÁNH AN
Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, dệt may Việt Nam, đặc biệt ngành may là ngành kinh tế quan trọng của đất nước, có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai cả nước với giá trị xuất khẩu đóng góp từ 10- 15% GDP. Lao động dệt may có khoảng 2,5 triệu người, chiếm hơn 20% lao động trong khu vực công nghiệp và gần 5% tổng lực lượng lao động cả nước. "Những năm qua, các DN may ở Việt Nam đã có nhiều biện pháp để cải thiện điều kiện lao động, cải thiện môi trường làm việc, tạo việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, hiện nay lao động ngành may Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề. Tiền lương, thu nhập còn thấp, thời gian làm thêm giờ, tăng ca nhiều, đời sống khó khăn. Với 80% lao động là nữ, họ phải làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt, thiếu an toàn vệ sinh lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và bệnh nghề nghiệp cao… Số lượng doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chuẩn lao động quốc tế còn hạn hẹp, việc cải thiện điều kiện lao động chưa hiệu quả", ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam cho biết.
Tăng ca nhiều kéo theo nhiều rủi ro
Trước việc Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến trong đó có việc tăng thời gian làm thêm giờ, không ít công nhân, NLĐ tỏ ra e dè trước thông tin này.
Chị Nguyễn Thị Quyên, CN một công ty may KCN Hòa Xá (Nam Định) chia sẻ: "Mỗi khi cần giải quyết đơn hàng lớn, công ty tôi vẫn huy động CN làm thêm giờ. Tuy nhiên, số giờ làm thêm không trải đều trong năm. Có tháng CN mong cũng chẳng có việc để làm thêm nhưng khi nào cần giao hàng gấp, công ty huy động CN làm thêm nhiều khiến ai nấy đều mệt mỏi. Điều này rất nguy hiểm vì lao động đi làm việc trong tình trạng mệt mỏi dễ xảy ra những tai nạn lao động đáng tiếc. CN chúng tôi cũng mong muốn được làm thêm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có quy định chặt chẽ, không chỉ quy định số giờ làm thêm trong năm mà phải quy định cả số giờ làm thêm trong tháng. Đặc biệt, tiền lương làm thêm phải tương xứng với sức lao động mà chúng tôi bỏ ra để chúng tôi có điều kiện tái tạo sức lao động sau những giờ làm thêm mệt mỏi. Tiền công trả cho CN do tăng giờ làm thêm cần được giám sát chặt chẽ để DN không trả công chúng tôi với giá rẻ mạt".
Chia sẻ với PV, PGS. TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện CNvà CĐcho biết, khảo sát của Hội đồng tiền lương quốc gia trước khi tăng lương tối thiểu 7,3% trong năm 2017 thì tiền lương tối thiểu của 4 khu vực vẫn còn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu hơn 20%.
"Chính bản thân tôi đã đi khảo sát ở 3 vùng là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, thậm chí một số CN ngành dệt may còn cho biết là nếu không được làm thêm thì họ còn phải bỏ nghề. Đây là mong ước chính đáng để tăng thêm thu nhập của họ". Theo PGS. TS Vũ Quang Thọ, việc làm thêm hiện nay của CN là điều không thể tránh khỏi, nhưng phải làm thế nào cho hợp lý bởi làm thêm quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh nghề nghiệp. Thời gian làm thêm thế nào thì phải tính toán cho phù hợp với thể trạng của người Việt Nam.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), việc tăng giờ làm thêm quá nhiều theo dự thảo luật chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay ở Việt Nam bởi thời gian làm thêm giờ của NLĐ phải cân nhắc nhiều yếu tố: kinh tế, việc làm, sức khỏe, môi trường lao động… Để đảm bảo lợi ích hài hòa hai bên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ trong một tháng (hiện là 30 giờ/tháng) và giờ làm thêm trong một năm không quá 300 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ/năm. Ngoài ra, tiền làm thêm giờ phải được tính lũy tiến, đảm bảo tái tạo sức lao động.
Bình luận (0)