“Sau 2 ngày bị sốt, ngày 30-12-2014, tôi đi khám tại Phòng khám Đa khoa Vạn Phước (quận Bình Tân, TP HCM), bác sĩ ghi giấy cho tôi nghỉ bệnh 2 ngày. Khi tôi nộp giấy khám bệnh để xin nghỉ thì giám đốc cho rằng đó là giấy giả do tôi đi mua về và xé bỏ nên tôi vẫn phải đi làm và tăng ca. Ngày 2-1-2015, tôi bị sốt cao và kiệt sức, ngất xỉu khi đang làm việc. Khi tỉnh lại, tôi xin về nghỉ, giám đốc cũng không cho, thậm chí xé luôn tờ giấy ra cổng mà tổ trưởng đã ký cho tôi” - chị T., công nhân (CN) Công ty TNHH Cloth & People Vina (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM), ấm ức kể.
Đủ kiểu ép buộc
Chỉ sau khi chị T. nộp giấy khám bệnh của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, công ty mới cho chị nghỉ 4 ngày. Tuy nghỉ bệnh đúng quy định nhưng chị vẫn bị công ty trừ lương hơn 300.000 đồng. Theo phản ánh của CN, việc người lao động (NLĐ) bị xỉu trong giờ làm việc như chị T. xảy ra ở Công ty TNHH Cloth & People Vina không hiếm do nhiều tháng nay, lịch tăng ca kín suốt cả tuần. Mỗi ngày CN phải làm việc từ 7 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút, sau đó tăng ca đến 20 giờ 30 phút, riêng chủ nhật vẫn phải đi làm nhưng được về lúc 16 giờ 30 phút. Bảng lương của CN thể hiện bình quân mỗi tháng, họ phải tăng ca hơn 70 giờ. Vào đợt cao điểm như tháng 12-2014, CN phải tăng ca hơn 90 giờ/tháng, gấp 3 lần so với quy định.
Hết chịu nổi cách quản lý hà khắc ấy, gần 400 CN đã phản ứng. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì lịch tăng ca đến hết tháng 1-2015 và thông báo: “Nếu CN đồng ý tăng ca thì ký vào biên bản thỏa thuận. Trường hợp đã đăng ký mà bỏ về, công ty sẽ lập biên bản xem xét kỷ luật”. Thông báo là vậy nhưng mới đây, một số CN không đăng ký tăng ca ngày thứ bảy vẫn bị ép tăng ca, ai không đồng ý thì bị làm khó. “Thứ bảy tôi không tăng ca, thứ hai tôi đăng ký thì tổ trưởng tuyên bố đã cắt lịch tăng ca vĩnh viễn đối với tôi rồi. Làm việc cật lực suốt tuần, tôi chỉ ước ngày thứ bảy không phải tăng ca để nghỉ ngơi. Nào phải ước mơ to tát gì, sao lại khó thực hiện đến vậy?” - nữ CN tên H. buồn bã nói.
Không tăng ca thì bị “hành”
Một số công ty khi trả lời về việc bắt CN tăng ca quá nhiều đã cho rằng “tăng ca là tự nguyện chứ không bắt buộc”. Thực tế, đó chỉ là cách nói để lấp liếm. Phản ánh đến Báo Người Lao Động mới đây, anh H.H.B, CN Công ty CP S.G (KCN Tân Tạo), cho biết bị gây khó dễ đủ điều vì không tăng ca. Anh B. kể chiều 27-12-2014, anh bị mệt nên xin quản đốc nghỉ tăng ca buổi tối nhưng không được chấp nhận. Do không thể gắng gượng nổi để tiếp tục làm việc nên khi hết giờ làm việc, anh B. ra về. Hôm sau, quản đốc yêu cầu anh viết bản tường trình việc không tăng ca rồi bảo đi về. Hai ngày tiếp theo, quản đốc vẫn không cho B. làm việc mà tiếp tục yêu cầu anh viết bản kiểm điểm và nhắn gửi “viết đến khi nào nội dung bản kiểm điểm chấp nhận được thì cho làm, còn nếu chưa được thì phải viết cho đến khi nào được mới thôi”.
Ở Công ty TNHH K.W (KCN Tân Bình), CN không tăng ca sẽ bị mất cả ngày công hôm đó. Đặc biệt, mỗi CN có tới 2 thẻ chấm công. Một thẻ nhựa do CN giữ dùng để ra vào cổng và chấm công trong giờ hành chính để đối phó với cơ quan chức năng. Còn một thẻ (bằng giấy) được công ty giữ để chấm công tăng ca và làm căn cứ để tính lương. Đáng nói là thẻ giấy công ty chỉ đưa ra khi hết giờ tăng ca nên CN nào không tăng ca hoặc về giữa chừng thì không có cách nào bấm thẻ được. Một CN cho biết có dạo phải tăng ca đến 23 giờ liên tục cả tháng trời nhưng phải cố chịu vì không muốn công sức bỏ ra trở thành công cốc.
Chỉ được tăng ca không quá 30 giờ trong tháng
Pháp luật lao động quy định người sử dụng lao động chỉ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi được sự đồng ý của họ; bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày. Cụ thể, tổng số giờ làm việc bình thường và làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm (trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm do Chính phủ quy định).
Bình luận (0)