xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng vì cái lợi trước mắt

NHÓM PHÓNG VIÊN

Biết cách tận dụng kinh nghiệm và kỹ năng nghề của lao động lớn tuổi sẽ giúp doanh nghiệp phát triển ổn định

Tìm mọi cách sa thải người lao động (NLĐ) lớn tuổi chưa hẳn là biện pháp tốt để doanh nghiệp (DN) giảm chi phí tiền lương, đặc biệt là các khoản trích nộp BHXH, BHYT. Ngược lại, quan hệ lao động tại DN sẽ rơi vào bất ổn khi NLĐ bị đẩy đến đường cùng. Mang tiếng bạc bẽo với NLĐ, chắc chắn DN cũng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng lao động.

Kinh nghiệm, tay nghề là vốn quý

Trong quá trình thực hiện loạt bài về thực trạng DN tìm cách đẩy lao động lớn tuổi ra đường, chúng tôi cũng ghi nhận không ít DN biết tận dụng ưu thế về tay nghề lẫn kinh nghiệm tích lũy của nguồn nhân lực này để đào tạo, kèm cặp thợ trẻ, thậm chí đề bạt họ vào vai trò quản lý, góp phần trực tiếp cho sự phát triển của đơn vị.

Vào năm 2003, Xí nghiệp (XN) May Bình Tiên (đóng tại quận 6, TP HCM, thuộc Công ty CP Dệt may Gia Định) giải thể, khi ấy, NLĐ có 2 lựa chọn: nghỉ hẳn để nhận chế độ mất việc hoặc về làm việc tại XN May An Phú (huyện Hóc Môn, TP HCM). Trước sự lựa chọn ấy, 20 lao động lớn tuổi đã về XN An Phú. Tại đây, họ được ban giám đốc tạo mọi điều kiện để làm việc với thái độ trân trọng. Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc XN May An Phú, cho biết: "Chuyện sa thải công nhân (CN) lớn tuổi chắc chắn không xảy ra tại đơn vị chúng tôi. Dù không còn sung sức song ở lứa tuổi 35, họ đang có độ chín về tay nghề, có thừa kinh nghiệm để giúp XN đào tạo, kèm cặp thợ trẻ. Chưa hết, gia đình họ ổn định và không nhảy việc như lao động trẻ. Do vậy, chúng tôi luôn quý trọng và tạo mọi điều kiện cho lao động lớn tuổi làm việc và cống hiến".

Đừng vì cái lợi trước mắt - Ảnh 1.

Lao động lớn tuổi làm việc tại Xí nghiệp May An Phú được ban giám đốc đánh giá có kinh nghiệm, ý thức kỷ luật tốt Ảnh: HỒNG ĐÀO

Chị Lê Thị Thu Cúc (52 tuổi) - gắn bó với nghề may hơn 20 năm - cho biết nhà ở quận 10 và mỗi ngày phải bắt 2 chuyến xe buýt để đến XN làm việc. Dù vất vả trong đi lại nhưng chị vẫn kiên trì bám việc. "Làm việc ở đây tôi cảm thấy an tâm, thoải mái bởi ban giám đốc và anh em CN quý mến những lao động lớn tuổi như tôi. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi cố gắng làm tốt công việc để đáp lại tình cảm và sự tin tưởng của mọi người" - chị Cúc bộc bạch. Chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi tuổi không còn trẻ nhưng thu nhập mỗi tháng của chị Cúc luôn thuộc nhóm cao nhất với hơn 8 triệu đồng/tháng.

Không chỉ quý trọng và tạo điều kiện cho lao động lớn tuổi, nhiều nơi còn sắp xếp cho lao động nghỉ hưu tiếp tục làm việc ở những vị trí phù hợp với sức khỏe, điều kiện của họ. Ở XN May An Phú, 2 lao động về hưu vẫn được mời ở lại làm việc với vị trí kỹ thuật viên. Bà Hoàng Thị Kim Dung bày tỏ: "Không phải lao động lớn tuổi nào cũng ù lì, năng suất lao động kém. Ngược lại, có những người lớn tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, nhạy bén, nhiều kinh nghiệm. Tại sao DN không tận dụng những kinh nghiệm này của họ?". Mới đây, một phó giám đốc kỹ thuật của XN An Phú và phó giám đốc kỹ thuật XN May Tân Mỹ đã nghỉ hưu nhưng được XN An Phú ký hợp đồng. Đây là những người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành may, rất nhiệt huyết và năng nổ, vẫn làm việc tốt sau khi nghỉ hưu.

Ở Công ty TNHH Dệt may Gia Định, những lao động đã nghỉ hưu, sức khỏe tốt vẫn được ký hợp đồng. Như trường hợp bà Đặng Thị Thanh Nhung, 58 tuổi, đã về hưu cách đây 3 năm nhưng được công ty giữ lại làm việc. "Được công ty mời làm việc khi đã nghỉ hưu, tôi vui lắm. Công việc ở bộ phận đóng gói rất phù hợp với sức khỏe của tôi. Thu nhập ổn định cùng lương hưu khá nên tôi không phải lo lắng, nghĩ ngợi gì " - bà Nhung cho biết.

Đừng cạn tình với người lao động

Trong khi nhiều DN tìm mọi cách đẩy CN "tuổi băm" ra đường thì tại Công ty CP Sơn Á Đông (quận 8, TP HCM) có khá đông lao động đã lớn tuổi vẫn đang làm việc.

Có lần đến thăm công ty, chúng tôi đem thắc mắc này hỏi lãnh đạo DN thì được bà Nguyễn Thị Nhung, giám đốc công ty, trả lời: "Á Đông đi lên từ một XN nhỏ, có được ngày nay, ngoài nỗ lực của ban lãnh đạo thì còn có công sức của chính tập thể NLĐ. Nhiều người đã gắn bó với tôi ngay từ những ngày đầu. Cả tuổi trẻ của họ đã đóng góp cho DN, không có lý do gì để sa thải họ chỉ vì họ lớn tuổi. Việc làm ấy quá cạn tình". Bà Nhung cũng cho biết một lý do khác mà công ty luôn khuyến khích CN gắn bó, thậm chí sau khi nghỉ hưu vẫn mời ở lại làm việc đó chính là vốn kinh nghiệm tích lũy của họ. Theo bà, để đào tạo được một người thợ giỏi cần nhiều thời gian, nhất là trong ngành sản xuất sơn, cần kinh nghiệm và tay nghề cao thì chính những lao động có nhiều năm làm việc mới đáp ứng được yêu cầu. "Trong một số trường hợp vì quá lớn tuổi hoặc gần tới tuổi hưu, nếu sức khỏe không bảo đảm những công việc nặng, công ty sẽ sắp xếp họ vào những công việc phù hợp" - bà nhấn mạnh. Trò chuyện với chúng tôi về quãng thời gian làm việc tại công ty, bà Dương Thanh Vân, một trong những CN có 30 năm kinh nghiệm, cho biết: "Á Đông có môi trường làm việc tốt, ban giám đốc luôn tạo điều kiện để CN phát huy tay nghề. Đó là lý do tôi gắn bó với công ty cho tới nay". 

Cần có chính sách hỗ trợ

Theo kết quả điều tra của Viện CN - Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% CN làm công việc tự do; 17,2% làm công việc buôn bán; 15,3% về nhà làm công việc nội trợ; 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, còn lại 12,1% làm công việc tự do...

Những con số trên đã khẳng định việc sa thải lao động trên 35 tuổi sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng với bản thân NLĐ như bất ổn về tài chính, gánh nặng kinh tế cho gia đình, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, đời sống tinh thần thấp, đánh mất vị thế bình đẳng trong gia đình và xã hội… Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, trên bình diện xã hội, tình trạng này không những làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, khó khăn trong quản lý, duy trì trật tự xã hội và lãng phí nguồn lực mà còn tác động tới chính sách BHXH. Có thể thấy được điều này khi đa số DN lựa chọn giải pháp thỏa thuận chi một khoản tiền cao hơn quy định của pháp luật để NLĐ "tự nguyện" xin nghỉ việc. Thay vì đến các trung tâm dịch vụ việc làm để đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, số đông NLĐ sau khi nghỉ làm thường chọn cách nhận BHXH một lần. Điều này khiến họ khó có cơ hội tìm kiếm công việc mới ở khu vực có quan hệ lao động, trong khi tay nghề thấp, tuổi đời đã cao.

Để ngăn ngừa tình trạng sa thải NLĐ trên 35 tuổi, theo ông Lê Đình Quảng, Bộ Luật Lao động cần nghiên cứu, bổ sung những bất cập, đặc biệt là quy định về chấm dứt hợp đồng lao động với nhóm lao động này. Bên cạnh đó, nhà nước cần thiết kế chính sách tổng thể đối với NLĐ bị mất việc làm, nhất là các giải pháp căn cơ để hỗ trợ NLĐ để ứng phó với các vấn đề xã hội nảy sinh từ quá trình thay đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ trong thời đại 4.0 của DN.

Trực Ngôn

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 31-7

Kỳ tới: Doanh nghiệp không thể vắt chanh bỏ vỏ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo