Đến giờ này, dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn chính thức về điều chỉnh LTT vùng song ở một số DN chúng tôi ghé thăm, vẫn có thể bắt gặp sự phấn khởi của tập thể lao động. Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết tình hình sản xuất ổn định tại DN trong năm 2016 chính là điều kiện thuận lợi để CĐ cơ sở đề xuất DN mức điều chỉnh LTT phù hợp nhằm tạo động lực làm việc cho NLĐ.
Ngay sau khi nắm được thông tin mức nâng LTT vùng năm 2017 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia là 7,3%, ngay từ đầu tháng 9-2016, Ban Chấp hành CĐ cơ sở đã yêu cầu các tổ CĐ lên kế hoạch khảo sát thu nhập, chi tiêu thực tế của CN để có cơ sở đề xuất ban giám đốc điều chỉnh mức nâng. Mức nâng 250.000 đồng (vùng I) là quy định và trách nhiệm của DN là phải tuân thủ để bảo đảm quyền lợi NLĐ, do vậy mục tiêu mà CĐ cơ sở hướng đến là vận động DN duy trì hoặc cải thiện các khoản phụ cấp, trợ cấp nhằm tạo hứng khởi cho tập thể CN.
Qua thảo luận với ban giám đốc, phương án duy trì các khoản phụ cấp hiện có được ưu tiên lựa chọn. Mức thưởng Tết sẽ không thấp hơn năm ngoái. “Bám sát đời sống CN và chủ động đề xuất DN có chính sách chăm lo phù hợp cho CN, làm tốt điều này sẽ giúp CĐ cơ sở giải tỏa lo lắng trong CN, giúp họ an tâm làm việc đến ngày cuối cùng” - bà Thu chia sẻ.
Thông tin mới nhất mà chúng tôi nắm được từ các DN có đông CN như Công ty TNHH Hansae Việt Nam, Công ty Triple (huyện Củ Chi), hiện CĐ cơ sở cũng đã cơ bản hoàn tất việc thương lượng mức nâng LTT cũng như chính sách chăm lo cho CN, đặc biệt là CN khó khăn trong dịp Tết. Theo ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, việc dự báo sớm tình hình DN và chủ động nắm bắt tâm lý NLĐ sẽ giúp CĐ cơ sở kịp thời hỗ trợ, đề xuất người sử dụng có chính sách chăm lo tương xứng cho NLĐ. Đây cũng chính là biện pháp để ổn định quan hệ lao động cuối năm.
Bình luận (0)