Tiến sĩ Angie Ngọc Trần là Giáo sư bộ môn Kinh tế Chính trị tại Đại học California State, Monterey Bay (Mỹ). Bà chuyên nghiên cứu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ảnh hưởng của đàm phán đa phương về quan hệ lao động tại Việt Nam, các hiệp định thương mại quốc tế, và lao động di cư xuyên quốc gia. Đây là bài viết riêng của bà cho Zing.vn.
Bàn về việc giảm giờ làm lúc này chỉ là điều xa xỉ. Doanh nghiệp (DN) nước ngoài sẽ rời đi, tìm đến các quốc gia có giá thành nhân công rẻ hơn. Đó là những luận điểm chính được đưa ra để phản biện động thái giảm giờ làm thêm trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận.Thế nhưng, bản chất của cuộc tranh luận này và việc giảm giờ làm không hề là chuyện xa xỉ. Mối lo về viễn cảnh các DN sẽ vì đó mà rời khỏi Việt Nam cũng thiếu căn cứ thuyết phục.Thực ra, việc tăng số giờ làm thêm mới là đi ngược xu thế.
Buộc tập đoàn "mẹ" có trách nhiệm hơn với công nhân
Đầu tiên, cần hiểu rõ mối liên hệ giữa mức lương không đủ sống của người lao động (NLĐ) với nhu cầu làm thêm ngoài giờ để trang trải cho cuộc sống. Công nhân (CN) phải làm thêm giờ ngoài giờ nếu muốn được trả lương đủ sống. Định nghĩa của lương đủ sống là mức lương thấp nhất được trả cho một NLĐ làm việc toàn thời gian đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra.
Tại Việt Nam, cách tính mức lương trong dây chuyền sản xuất cho các nhãn hàng quốc tế dựa trên hai yếu tố: lương tối thiểu và lương gia công làm thêm ngoài giờ. Tuy nhiên, để nhận mức lương tối thiểu, NLĐ phải đáp ứng khối lượng công việc rất cao được tính theo định mức lao động (số sản phẩm phải hoàn tất) từng ngày, từng tuần, từng tháng do các công ty, DN chỉ định.Và nếu không hoàn thành định mức lao động (hay chỉ tiêu), họ buộc phải làm thêm giờ. Thế nhưng, lương tối thiểu vẫn không đủ chi trả sinh hoạt phí. Vì thế nhiều CN phải tiếp tục "tình nguyện" làm thêm giờ với mức lương sản phẩm rẻ mạt (như đơn giá gia công rất thấp cho 1 áo phông).Hệ quả tất yếu: CN làm việc trong nhiều giờ liền, bỏ bữa, không dám nghỉ ngơi để đáp ứng đủ những chi phí cơ bản cần thiết, và nỗ lực giữ lấy việc làm vì không hiếm DN dựa vào việc làm thêm ngoài giờ để tính tiền thưởng và hợp đồng dài hạn.
Báo cáo năm 2017 của Better Work chỉ rõ: 82% CN làm việc tại 257 nhà máy chịu cảnh làm thêm giờ vượt quá giới hạn quy định của Luật Lao động Việt Nam. Đơn giá gia công thấp và định mức lao động cao là hai yếu tố tạo thành vòng tròn luẩn quẩn của việc tăng giờ làm thêm. Làm việc tăng ca đặc biệt có hại cho sức khỏe của lao động nữ, những người sẽ cho ra đời thế hệ lao động kế tiếp. Vì vậy, tăng số giờ làm thêm không thể là chìa khóa giải quyết vấn đề. Giải pháp cần làm là tăng mức lương của NLĐ đến mức lương đủ sống để họ không phải làm thêm giờ. Ai trong chúng ta muốn làm 9 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần?
Nhưng việc tăng lương không phải là chuyện dễ dàng khi mức lương gia công ít ỏi và thường được các nhà máy sản xuất giữ kín khiến cho các cấp Công đoàn gặp khó khăn khi đứng ra đàm phán mức lương đủ sống cho CN. Chiến lược khả thi ở đây là với lên cao chuỗi cung ứng toàn cầu để yêu cầu những tập đoàn "mẹ" chịu trách nhiệm trực tiếp với các CN sản xuất sản phẩm cho họ, chứ không thông qua nhiều tầng trung gian như hiện nay.
Nhiều quốc gia đã áp dụng thành công chiến lược này để giải quyết việc thiếu công bằng trong việc trả lương cho NLĐ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bằng chứng cho thấy nhiều tập đoàn, thương hiệu không rời bỏ quốc gia hiện tại để tìm đến các nước khác có nguồn nhân công rẻ hơn. Các thương hiệu nổi tiếng đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông thường, để cho ra đời những mẫu giày trên thị trường, Nike, Adidas hay Converse thường đặt hàng đơn sản xuất qua một nhà cung cấp chính. Nhà cung cấp này có nhiều tầng công ty gia công làm việc với nhà máy sản xuất giày theo hợp đồng. Các nhà máy sản xuất giày còn có các công ty vệ tinh (công ty con) tại những tỉnh khác nhau ở Việt Nam.
Doanh nghiệp rời Việt Nam là thiếu căn cơ
Mối lo ngại các DN sẽ rời khỏi thị trường Việt Nam là thiếu căn cứ nếu nhìn vào các trường hợp tại nhiều quốc gia khác có chính sách lâu dài và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tư vấn đạo đức và hiệp hội (cho quyền lợi NLĐ) và với các tập đoàn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.Chính phủ các nước này trực tiếp làm việc với các tổ chức tư vấn đạo đức, các thương hiệu và Công đoàn để tăng lương cho CN mà không tăng giờ làm thêm.
Nhiều CN ở Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và Sri Lanka nhận được mức lương xứng đáng hơn nhờ những sự hợp tác này. Trên thực tế, nhiều công ty, DN nước ngoài không hề rời đi, ngay cả khi ràng buộc thêm trách nhiệm và phải trả lương đủ sống cho NLĐ. Một số ví dụ điển hình:- Năm 2007, tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới Inditex ký Thỏa thuận khung Quốc tế với Công đoàn May mặc và tái ký vào năm 2014. Báo cáo thường niên năm 2018 cho thấy tập đoàn này cam kết trả lương đủ sống cho công nhân ở Bangladesh, Ấn Độ và Sri Lanka.- Tập đoàn đồ nội thất IKEA của Thụy Điển làm việc với Fair Wage Network (một mạng lưới phi chính phủ tập trung vào lương đủ sống, giờ làm việc, lợi ích xã hội của NLĐ ở cấp quốc gia và quốc tế) để đánh giá các đơn vị bán lẻ của mình ở bốn quốc gia, giúp đảm bảo CN được trả lương công bằng. Báo cáo mới nhất từ IKEA cho thấy tập đoàn này tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp chính của mình với mục đích giảm giờ làm việc cho CN mà không giảm lương ở Trung Quốc.
Trong lịch sử, các tập đoàn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã dùng khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) để xoa dịu khách hàng và dư luận xã hội sau khi các vi phạm tiêu chuẩn lao động ở các nhà máy gia công của họ bị phơi bày vào những năm 1990 tại Mỹ. Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, rất khó để bắt buộc các DN tuân thủ luật lao động ở Việt Nam và các công ước của ILO về tiêu chuẩn lao động. Nếu không bị sức ép từ phía người tiêu thụ, CN, và dư luận xã hội, các tập đoàn sẽ không để tâm đến trách nhiệm xã hội của họ trong khi tìm nguồn lao động thấp ở các quốc gia khác.
Tin mừng cho Việt Nam là xu hướng chính các tổ chức công nghiệp tư bản toàn cầu (như Inditex và Global Fashion Agenda) cộng tác với các công ty tư vấn (như Deloitte Access Economics và Tư vấn Boston) và các hiệp hội nhân đạo (Fair Wage Network, Oxfam) đã từng bước thực hiện việc trả lương và giảm thời gian làm thêm dựa trên các nghiên cứu có cơ sở.
Có hai nghiên cứu cho thấy các công ty gia công hoàn toàn có thể trả lương đủ sống cho người lao động mà không ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Một nghiên cứu do Deloitte Access Economics hợp tác với Oxfam ước tính rằng chỉ 4% giá bán lẻ một sản phẩm may mặc bán ra ở Australia được trả cho công nhân tại các nhà máy may mặc ở châu Á (bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia). Mặt khác, phía Công ty tư vấn Deloitte tính ra rằng chỉ cần tăng 1% giá bán lẻ (nếu các thương hiệu chuyển toàn bộ chi phí sang người tiêu dùng), công nhân sẽ có mức lương đủ sống mà không cần phải làm việc tăng ca. Chẳng hạn, đối với chiếc áo phông có giá 10 USD , khách hàng chỉ phải trả thêm 10 cent cho sản phẩm. Công ty tư vấn Deloitte cũng ước tính được rằng ngay cả khi chính các thương hiệu là người chịu chi phí trong chuỗi cung ứng, họ vẫn phải trả số tiền ít hơn 1% giá bán lẻ nếu mỗi thành viên trong chuỗi cung ứng cùng chịu một phần nhỏ để đóng góp cho việc trả lương đủ sống cho công nhân.
Nghiên cứu thứ hai chỉ ra rằng việc tăng nhẹ mức giá bán lẻ có thể đảm bảo mức lương đủ sống cho công nhân. Tập đoàn Tư vấn Boston và Tổ chức Global Fashion Agenda (tập trung vào phát triển bền vững) ước tính rằng khi tăng gấp đôi lương của công nhân may mặc ở Ấn Độ, thương hiệu chỉ nên cộng thêm 1,46 USD cho giá thành mỗi chiếc áo phông được bán ra thị trường, thay vì tăng thêm 7,46 USD (tính theo lợi nhuận nhân lên của chuỗi cung ứng toàn cầu) làm người tiêu thụ khó chấp nhận. Tương tự trường hợp ở Australia, các doanh nghiệp không tăng giá theo cơ cấu lợi nhuận nhân lên, mà chỉ cần cộng thêm phần tăng lương đó vào mức giá bán lẻ. Điều này giúp người mua dễ chịu hơn đồng thời đem lại lợi ích đáng kể cho người lao động.
Tranh luận về việc giảm giờ làm không còn là điều xa xỉ. Từ lâu, các quốc gia đã thực hiện chính sách lâu dài bằng cách hợp tác với nhiều hiệp hội nhân đạo và với chính các tập đoàn để giải quyết gốc rễ của vấn đề làm tăng ca: đảm bảo mức lương đủ sống cho công nhân mà không gây tổn thất cho doanh nghiệp. Việt Nam đã đạt được một vài bước tiến trong quá trình thương lượng tập thể và tăng mức lương tối thiểu. Nhưng những nỗ lực này chưa đủ vì công nhân sẽ còn tiếp tục làm việc cho đến khi họ kiệt sức để kiếm lương đủ sống
Các tập đoàn cũng biết rất rõ rằng họ cần làm hài lòng người tiêu dùng bằng cách tôn trọng các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về kinh doanh, nhân quyền và đã nhập cuộc như nêu trên. Vài hậu quả tiêu cực quan trọng của việc làm thêm giờ là các công nhân nữ không có cơ hội nuôi con khôn lớn khi phải gửi con về quê nhà cho ông bà nuôi, nhiều sự cố dễ xảy ra tại các nhà máy do tình trạng mệt mỏi và NlĐ bị cướp mất quyền giao lưu văn hóa, xã hội khi họ chỉ có một ngày chủ nhật ngắn ngủi để nghỉ ngơi trước khi lại bắt đầu 6 ngày làm việc liên tiếp nữa.
Vậy tại sao Việt Nam lại đi ngược các xu hướng tiến bộ trên bằng cách tăng số giờ làm thêm?Thay vào đó, Việt Nam nên tập trung xây dựng chính sách dài hạn, tăng cường thỏa thuận thương lượng tập thể và làm việc với các hiệp hội nhân đạo, các tổ chức công nghiệp nêu trên và các tập đoàn để từng bước thúc đẩy việc trả lương đủ sống, giảm dần tuần làm việc từ 48 giờ xuống còn 40 giờ, đồng thời không tăng số giờ làm thêm.
Bình luận (0)