"Là cán bộ Công đoàn (CĐ) nên tôi thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu về các chính sách mới liên quan đến quyền lợi của công nhân (CN) và khi đọc quy định này, tôi rất buồn và nói thẳng tôi không đồng tình với việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu từ 3% còn 2%/năm đối với lao động nữ (LĐN) đóng BHXH từ năm thứ 16 trở đi". Ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Domex Việt Nam (KCX Linh Trung I, TP HCM), không ngần ngại bày tỏ ý kiến trước việc từ ngày 1-1-2018, quyền lợi của LĐN bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi lương hưu bị cắt giảm và thời gian đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa (75%) kéo dài đến 30 năm.
Không công bằng
Theo ông Phê, nếu đời sống khá giả sẽ không mấy ai quan tâm mỗi tháng nhiều hơn hay bớt đi vài trăm ngàn đồng nhưng thực tế đời sống CN còn vô vàn khó khăn, họ chạy ăn từng bữa, ráng sức tăng ca từng giờ để có thêm chút thu nhập ít ỏi, thì đây là vấn đề lớn.
Lao động nữ phải làm việc nặng nhọc như nam giới trong khi họ còn phải làm vợ, làm mẹ ẢNH: HOÀNG TRIỀU
Với cường độ lao động cao, nhiều lao động nữ ngành dệt may khó có thể làm việc đến 55 tuổiẢnh: BẠCH ĐẰNG
Nhiều chị em lo lắng về tương lai của mình khi lương hưu bị kéo giảm
Ảnh: HỒNG ĐÀO
Điều dễ nhìn thấy là ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), rất ít CN có thể tiếp cận lương hưu, một mặt là hầu hết doanh nghiệp không "chào đón" lao động lớn tuổi, mặt khác bệnh nghề nghiệp dẫn đến sức khỏe hạn chế là điều mà hầu hết CN phải đối mặt nên họ khó kéo dài được đến lúc hưởng mức lương hưu cao nhất. Nhiều người cho rằng CN không có cái nhìn xa, gây áp lực cho chính sách an sinh khi đổ xô hưởng BHXH một lần nhưng nếu đứng ở vị trí của họ, phải lựa chọn giữa việc nhận một khoản tiền BHXH một lần vài chục đến 100 triệu đồng và chờ mòn mỏi chỉ để nhận lương hưu chỉ xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng, với một người không có tích lũy, rõ ràng họ không có lựa chọn nào khác.
Ông Phê nhấn mạnh: "Tôi nghĩ, lương hưu là chính sách an sinh rường cột thì phải mở rộng điều kiện để tất cả người dân, người lao động (NLĐ) dễ dàng tiếp cận nhưng các nhà quản lý lại thêm điều kiện khó, vậy thì khó trách NLĐ không mặn mà với việc chờ hưởng lương hưu. Thay vào đó, họ chọn lĩnh BHXH một lần. Vì vậy cần phải nghiêm túc xem lại việc giảm lương hưu của LĐN. Tốt nhất là nên giữ nguyên như quy định hiện hành".
Quyền lợi bị cắt giảm quá nhiều
Dù có tuyên truyền, vận động, tô hồng thế nào đi nữa thì thực tế rõ ràng là từ ngày 1-1-2018, lương hưu của LĐN sẽ giảm sút nghiêm trọng. Bà Thiều Ngọc Yến - Chủ tịch CĐ cơ quan Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn, TP HCM - nói: "Trong thâm tâm, tôi và nhiều đoàn viên CĐ khác chưa đồng tình với chính sách mới này bởi quyền lợi của chúng tôi bị cắt giảm quá nhiều và quá đột ngột. Ví dụ như trường hợp của tôi. Năm nay tôi 53 tuổi, đã công tác trong ngành giáo dục và đóng BHXH được 32 năm. Giả sử tôi đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2017 thì ngoài việc được hưởng mức tối đa là 75% cho 25 năm đóng BHXH, tôi còn nhận được khoản trợ cấp một lần cho 7 năm đóng dư còn lại. Thế nhưng, nếu nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018, tức chỉ sau một đêm, tôi mất đi 5 năm đóng BHXH, nghĩa là chỉ còn nhận khoản trợ cấp một lần cho 2 năm đóng dư, điều này hết sức phi lý và bất công, gây sốc cho LĐN khi bị cắt giảm tỉ lệ lương hưu quá nhiều, quá đột ngột".
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Lệ Thu đang làm việc tại một đơn vị sự nghiệp công lập ở quận 3,
TP HCM còn tức tưởi hơn. Chị Thu sinh vào ngày 1-1-1963, thời gian đóng BHXH là 24 năm 8 tháng. "Nếu tôi sinh vào ngày 31-12-1962 thì khi nghỉ hưu tôi sẽ được hưởng lương hưu là 75% bình quân tiền lương của 6 năm đóng BHXH cuối cùng nhưng vì ra đời muộn 1 ngày mà tôi phải chịu mất đến 10% lương hưu. Quá thiệt thòi!".
Khó lường hậu quả
Ông Dương Văn Huệ, Phó Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sanofi Aventis (quận 4, TP HCM), cho biết: "Thời gian gần đây, qua nắm bắt dư luận, tôi thấy NLĐ, đặc biệt là LĐN đang bàn tán rất nhiều về chính sách tăng thời gian đóng BHXH nhưng lại giảm tỉ lệ lĩnh lương hưu của NLĐ. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng, đặc biệt là Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam nên có kiến nghị vấn đề này để hài hòa lợi ích giữa các bên. Hiện mức tiền lương đóng BHXH của đa số NLĐ trong khu vực ngoài nhà nước chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng; với mức đóng này, lương hưu sẽ rất thấp, làm sao NLĐ có thể sống được? Nếu áp dụng giảm lương hưu đột ngột như thế có thể xảy ra hiện tượng nhiều NLĐ xin nghỉ việc để "lĩnh một cục" và từ chối đóng tiếp BHXH để lĩnh lương hưu".
Cũng có cùng băn khoăn như vậy, chị Hoàng Thị Mộng Điệp, CN Công ty TNHH F. (KCX Linh Trung 1, TP HCM), cho biết chị vào công ty làm việc năm 25 tuổi, đến nay đã được hơn 15 năm. Chị Điệp tâm sự: "Có thể nói, tôi là một trong những CN đầu tiên làm việc tại công ty. Mấy hôm nay, nhiều anh chị em đồng nghiệp bàn tán rất nhiều về việc tăng thời gian đóng BHXH nhưng giảm tỉ lệ lĩnh BHXH khi về hưu. Nói thật, nếu như vậy thì LĐN rất thiệt thòi. Nhiều chị em trong công ty muốn nghỉ để lĩnh một số tiền về quê làm ăn sinh sống. Tôi thì đang chần chừ, nửa muốn tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu, nửa muốn "lĩnh một cục" để có tiền về quê mở tiệm tạp hóa sinh sống. Giờ nghe lương hưu quá thấp, tôi cũng hết ham chờ lương hưu".
Năm nay 43 tuổi, từng là CN và đã tham gia BHXH được hơn 18 năm, chị Nguyễn Thị Ánh Hằng (phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: "Tháng 1-2016, khi bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tôi rất lo bởi mình đã lớn tuổi, không tìm được việc làm mới, đồng nghĩa với việc tôi không thể tiếp tục tham gia BHXH cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Sau đó, qua tìm hiểu, tôi rất mừng vì ở trường hợp của tôi có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Song, khi tìm hiểu kỹ hơn về chế độ hưu trí tôi rất thất vọng, bỏ luôn ý định tham gia BHXH tự nguyện và quyết định sẽ hưởng BHXH một lần.
Cách tính lương hưu từ 1-1-2018
Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, từ ngày 1-1-2018, cách tính lương hưu đối với NLĐ có nhiều thay đổi. Trong đó đáng chú ý nhất là quy định tại khoản 2, điều 56: Từ ngày 1-1- 2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện (về thời gian đóng BHXH và tuổi đời) được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
- LĐN nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, NLĐ (cả nam và nữ) được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Trong khi đó theo quy định hiện hành (áp dụng đến năm 2017), tỉ lệ tiền lương hưu được hưởng của nữ kể từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi là 3%.
Ông Trần Minh Hùng, Chủ tịch CĐ MM Mega Market:
Dễ gây phản ứng
Theo tôi, khả năng LĐN đồng thuận với chính sách lương hưu từ ngày 1-1-2018 là không cao. Việc giảm tỉ lệ phần trăm lương hưu như thế làm kéo dài thêm thời gian hưởng lương hưu tối đa của LĐN. Ở đây phải tùy ngành nghề cụ thể, không nên làm đồng loạt tất cả. Ví dụ như ngành dệt may là ngành không nên kéo dài thêm thời gian làm việc vì tính chất công việc hao mòn rất nhiều sức lực của LĐN. Thực tế, việc thay đổi cần phải tính toán cẩn thận, nếu không có thể gây phản ứng trong NLĐ, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc, gây bất ổn trong quan hệ lao động, đặc biệt trong những tháng cao điểm cuối năm sắp tới.
Bà Bùi Thị Xuân Huệ,
Chủ tịch CĐ Công ty May da xuất khẩu 30-4:
Không khuyến khích người lao động đóng BHXH
Trong nhận thức của NLĐ, nhất là CN trực tiếp sản xuất, họ không dám nghĩ tới việc "hưởng lương hưu". Ngay ở công ty tôi, ban giám đốc luôn tạo điều kiện để các em làm việc đến tuổi hưu, thậm chí sau khi nghỉ hưu vẫn có thể tiếp tục làm việc nhưng nhiều em vẫn đến hỏi tôi về việc hưởng BHXH một lần. Tiếp nhận những câu hỏi ấy, tôi không trách các em vì biết với CN, đời sống còn nhiều khó khăn khiến họ phải lo cái trước mắt mà bỏ qua chuyện lâu dài. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng giải thích cho các em hiểu cái lợi của việc hưởng lương hưu để các em cân nhắc trước khi quyết định.
Vì vậy, đối với việc giảm lương hưu của LĐN, tôi nghĩ sẽ càng không khuyến khích NLĐ đóng BHXH để lĩnh lương hưu. Theo tôi, nếu bắt buộc phải giảm để bảo đảm việc duy trì quỹ BHXH, các nhà làm chính sách vẫn nên cân nhắc đến việc xây dựng lộ trình để họ hiểu và chấp nhận, tránh việc gây sốc dẫn đến bức xúc.
GÓC NHÌN
Nhân văn ở chỗ nào?
Thực tế, lao động nữ (LĐN) luôn chịu nhiều thiệt thòi trong việc làm, đời sống, đối xử của xã hội. Nếu ai đã từng lắng nghe họ chia sẻ về cuộc sống thì sẽ hiểu được họ đã phải đánh đổi nhiều thứ, từ tuổi trẻ đến sức khỏe, thậm chí tương lai. Gánh nặng gia đình khiến nhiều chị em làm việc quần quật để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt đến mức không còn thời gian dành cho bản thân, quên đi hạnh phúc riêng tư.
Những đồng lương ít ỏi đổi bằng mồ hôi, nước mắt, sức khỏe của chị em, trong đó phải trích ra một phần đóng BHXH là cả nỗ lực lớn. Thế nhưng chính sách thay đổi, kéo giảm quyền lợi của LĐN khiến họ cảm thấy bất an. Vì sao cùng một đối tượng tham gia mà chính sách đối xử lại khác nhau, thật không thể hiểu nổi? Nên nhớ, LĐN tuổi càng cao thì sức khỏe càng giảm và liệu sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp giữ họ lại để làm việc tiếp tục đến đủ 75% lương hưu? Tuổi càng cao, xin việc càng khó khăn, vậy ai là người đứng ra giải quyết vấn đề này?
Rõ ràng, LĐN hy sinh cho gia đình và đóng góp thiết thực vào sự phát triển xã hội nhưng đổi lại họ bị thiệt thòi đủ đường. BHXH - cái phao an sinh mà họ hy vọng bám víu khi về già lại không phải là chỗ dựa của họ. 30 năm làm việc là chuyện không đơn giản vì thiên chức làm mẹ khiến sức khỏe của LĐN giảm đi rất nhiều. Chính sách an sinh là phải nhân văn, sao đã không tăng mà lại còn cắt giảm quyền lợi LĐN? Tính toán như thế thì mục tiêu an sinh xã hội đến bao giờ mới đạt? NLĐ đang mất dần niềm tin vì những chính sách như vậy.
Lê Trần Thanh Hải
(Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Triple Việt Nam)
Bình luận (0)