Hiện tỉ lệ lao động bị mất việc, nghỉ việc cao nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP HCM không tuyển được người. Trong khi tuyển được lao động trẻ để đào tạo thêm, vào làm chưa bao lâu họ đã nhảy việc.
Chưa "nóng chỗ" đã nhảy việc
Là DN 100% vốn Nhật Bản với hơn 100 lao động nhưng Công ty TNHH Fuji Impulse (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM) thường xuyên thiếu lao động do không tìm được ứng viên phù hợp.
Ông Huỳnh Kim Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuji Impulse, cho biết khó khăn lắm công ty mới tuyển dụng và đào tạo được 1 lao động có kỹ năng, tay nghề nhưng chỉ vài tháng đã nhảy việc. Ông Khoa cho rằng nhiều lao động trẻ hiện nay vào làm việc không muốn học hỏi, gắn bó với DN, hay "đứng núi này trông núi nọ", có DN khác gọi là họ chia tay. "Công ty tôi đăng tuyển vị trí trưởng xưởng cơ khí và trưởng kho suốt nhiều tháng liền không tìm được người. Khi tuyển được người trẻ phù hợp, đào tạo thêm để sau này làm quản lý nhưng vào làm chưa "nóng chỗ" đã ra đi" - ông Khoa nói.
Bà Lê Thị Thảo Trinh, Giám đốc kinh doanh Công ty CP GoGreen House (quận 1, TP HCM), cho hay công ty có hơn 60 nhân viên làm việc ở khối văn phòng và 300 lao động trực tiếp. Tại khối văn phòng, nhân viên trẻ thay đổi liên tục. Họ đi làm rất tùy hứng - chỉ cần một câu góp ý không hài lòng là hôm sau nghỉ việc.
Thế hệ gen Z (SN 1997 - 2012) không quan tâm đến lương và cơ hội thăng tiến như gen X (SN 1965 - 1980), Y (SN 1980 - 2000), vì đa số là con một hay hai trong gia đình, nhu cầu kinh tế không quá bức thiết. "Có em nói với tôi là sau giờ làm việc, ngày cuối tuần, công ty không được gọi điện thoại, giao việc vì đó là khoảng thời gian riêng tư của họ" - bà Trinh kể.
Với tiêu chí đăng tuyển rất dễ, chỉ cần ứng viên tốt nghiệp THPT và có tinh thần học hỏi, chịu khó làm việc là được tuyển (vì công ty sẽ đào tạo theo từng lĩnh vực), riêng vị trí kế toán, DN yêu cầu ứng viên có chuyên môn phù hợp. Nhưng khi tuyển được 10 lao động trẻ, đến ngày nhận việc thì không ai đến vì lý do bận việc gia đình, người thân ốm đau…
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nhân sự, bà Trinh cho biết công ty đã thuê một DN chuyên dịch vụ tuyển dụng làm cầu nối. Qua đó, người lao động (NLĐ) được thử việc 2 tháng (hưởng 100% lương), sau đó, nếu đạt yêu cầu sẽ được công ty ký hợp đồng lao động chính thức.
Với thế hệ gen Z, môi trường làm việc phù hợp và văn hóa doanh nghiệp quan trọng nhất đối với họ
Tìm tiếng nói chung
Nói về kinh nghiệm tuyển dụng và giữ chân lao động trẻ, bà Nguyễn Thị Thục Vy, Giám đốc kinh doanh và marketing Công ty CP Peoplelink Việt Nam (quận 1), cho biết hiện công ty có hơn 70 lao động, trong đó 90% là người trẻ.
Để họ gắn bó và ổn định làm việc, DN gặp không ít khó khăn vì họ hay thăm dò, tìm kiếm cơ hội, môi trường thích hợp. "Do vậy, ngoài chính sách ưu đãi, lương, thưởng minh bạch, công ty còn tạo cơ hội cho người trẻ có năng lực lên làm vị trí quản lý sau 3 - 5 năm làm việc. Trước đây, muốn làm quản lý phải từ 5 - 10 năm gắn bó" - bà Vy nói.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ như vi tính, ngoại ngữ, bán hàng, lên kế hoạch, làm việc nhóm… cho NLĐ luôn được ban giám đốc quan tâm. Mỗi năm, DN đều tổ chức kỳ thi nâng bậc cho tất cả NLĐ. Nhân viên ở các phòng - ban muốn thay đổi công việc hoặc lên vị trí cao hơn có thể tham gia kỳ thi đánh giá này.
Theo ThS Tiêu Minh Sơn, Trường ĐH Văn Lang (TP HCM), hiện người trẻ mới ra trường (22 - 25 tuổi) luôn xem đây là khoảng thời gian để trải nghiệm và tìm môi trường phù hợp nên nhảy việc nhiều. Vì vậy, nhu cầu về thu nhập, thăng tiến không phải là mối quan tâm lớn nhất ở lao động trẻ. Sinh viên mới ra trường thậm chí còn thích làm công việc trái ngành để được trải nghiệm. Sau tuổi 25, họ sẽ chín chắn, ổn định hơn vì đã tìm được môi trường phù hợp.
Trong khi đó, đa số DN khi tuyển dụng đều yêu cầu có kinh nghiệm thì ứng viên trẻ lấy kinh nghiệm từ đâu. Chưa kể, nhiều DN đăng tuyển dụng mô tả công việc khác với yêu cầu lúc phỏng vấn làm cho ứng viên trẻ càng hoang mang.
"Gen Z là thế hệ xem mức lương không phải là quan trọng nhất, mà họ muốn tìm kiếm môi trường làm việc thích hợp. Vì thế, DN cần tạo cơ hội cho người trẻ đi làm vì họ rất muốn cống hiến, sẵn sàng trải nghiệm và học hỏi. Hai bên nên kết nối với nhau để tìm tiếng nói chung" - ông Sơn nhấn mạnh.
Bình luận (0)