Từ sau Tết Kỷ Hợi 2019 đến nay, cả nước xảy ra 10 cuộc ngừng việc tập thể. Ngoài việc bày tỏ thái độ không hài lòng với cung cách quản lý, điều hành, đối xử của quản lý người nước ngoài, bức xúc lớn nhất của người lao động (NLĐ) vẫn là chính sách tiền lương, phúc lợi tại doanh nghiệp (DN) thiếu minh bạch, cào bằng và điều này đã gây ức chế cho họ.
Cư xử thật lòng
Tại hội nghị NLĐ Công ty CP Cơ khí Định An (tỉnh Bình Dương) diễn ra vào cuối tháng 2-2019, việc ban giám đốc chấp thuận bổ sung một số chính sách đãi ngộ mới vào thỏa ước lao động tập thể khiến 150 lao động tại đây rất phấn khởi. "Với các khoản hỗ trợ thêm như xăng xe, nhà trọ, năng suất, chuyên cần, thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân (CN) có thể đạt đến là 9 triệu đồng. Ngoài ra, CN còn được mua bảo hiểm tai nạn 24/24; thưởng lễ 30-4, 2-9 là 1 triệu đồng/người. Giúp CN ổn định thu nhập chính là cách ban giám đốc ổn định nguồn nhân lực lâu dài"- ông Cao Văn Định, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Định An, cho biết.
Doanh nghiệp phải tạo động lực làm việc cho người lao động bằng chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Đăng Linh, một CN gắn bó hơn 10 năm với công ty, cho biết công việc ổn định cùng chế độ lương, thưởng thỏa đáng nên hầu hết CN rất gắn bó với doanh nghiệp (DN). Họ dành sự trân quý đặc biệt đối với ông Định bởi trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng không bỏ rơi NLĐ. "Quý IV năm 2018, tình hình làm ăn của DN rất khó khăn. Thế nhưng thay vì cắt giảm lao động, ban giám đốc luôn tìm mọi cách bảo đảm việc làm và đời sống cho NLĐ. Với chính sách nghỉ chờ việc luân phiên, việc làm của CN được duy trì khá tốt, ít nhất 25 ngày công/tháng. Thu nhập dù có giảm đôi chút nhưng anh em CN rất vui bởi thừa biết DN đã cố gắng hết sức" - anh Linh cho biết. Hai tháng đầu năm 2019, khi đã vượt qua giai đoạn khó khăn, việc đầu tiên ông Định nghĩ đến là bàn bạc với Công đoàn (CĐ) cơ sở hoàn thiện chính sách chăm lo cho CN. Điển hình là tại hội nghị NLĐ vừa rồi, các khoản phúc lợi được định hình lâu nay được cụ thể hóa trong thỏa ước lao động tập thể.
Công nhân phải sống được bằng lương
"Lương tối thiểu (LTT) hiện tại chỉ mới đáp ứng 90% - 95% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Do vậy, khi nhà nước điều chỉnh LTT, ban giám đốc lưu ý CĐ cơ sở phải đề xuất cao hơn mức quy định để CN ổn định cuộc sống. Mức LTT cao sẽ giúp CN được hưởng quyền lợi cao hơn và điều đó sẽ tạo động lực làm việc lâu dài cho họ" - ông Wang Chen Yi, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Ever Win (KCN Bình Chiểu; quận Thủ Đức, TP HCM), khẳng định như vậy khi nói về chính sách chăm lo tại DN.
Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Ever Win được đánh giá là một trong những DN có chính sách chăm lo tốt cho CN. Khi điều chỉnh LTT, công ty luôn lưu ý CĐ cơ sở phải khảo sát thật kỹ thu nhập và chi tiêu thực tế của NLĐ để đề xuất mức nâng hợp lý. Yêu cầu đề ra khi nâng LTT là phải tuân thủ pháp luật và duy trì đến mức tối đa chế độ đãi ngộ hiện hành. Với sự hợp tác tích cực từ CĐ cơ sở, việc thương thảo điều chỉnh LTT cũng như chính sách đãi ngộ hằng năm tại DN luôn diễn ra suôn sẻ. Ngoài lương cơ bản, CN còn được hưởng thêm một số khoản phụ cấp như ăn sáng, đi lại, nhà trọ... tổng cộng hơn 1 triệu đồng/tháng. "Mọi đề xuất của CĐ cơ sở về tiền lương, phúc lợi đều được lãnh đạo DN xem xét và giải quyết thỏa đáng. Việc làm, thu nhập của 300 CN từng bước được ổn định và nâng cao đã thể hiện sự chân thành trong công tác chăm lo của ban giám đốc" - ông Đinh Văn Giai, Chủ tịch CĐ công ty, khẳng định.
Theo ông Nguyễn Quang Ngà, Giám đốc Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức, TP HCM), ki bo từng đồng hoặc từ chối đối thoại, đàm phán với CĐ cơ sở về các vấn đề liên quan đến lợi ích của NLĐ là cách hành xử ấu trĩ của không ít chủ sử dụng lao động. Ông Ngà cho biết tại Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức, mọi kiến nghị xác đáng của CN liên quan đến việc làm, thu nhập đều được lãnh đạo tiếp thu và phối hợp với CĐ cơ sở giải quyết. Nhờ sự đồng thuận ấy mà công ty chưa bao giờ xảy ra tranh chấp lao động, đời sống CN ngày càng ổn định.
Tại một hội thảo chuyên đề về quan hệ lao động được tổ chức ở TP HCM mới đây, giám đốc một DN có hơn 3.000 lao động đã chia sẻ: “Sản phẩm, nhất là thương hiệu của DN, gầy dựng được trên thương trường có công đóng góp rất lớn của NLĐ. Máy móc, công nghệ hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế được họ và trách nhiệm của DN là phải chăm lo tương xứng với công sức, trí tuệ mà NLĐ bỏ ra”.
Bình luận (0)