Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Chỉ thị giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp động viên tinh thần và lên phương án hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Khoảng 1,5 - 3 triệu NLĐ được hỗ trợ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB-XH đã hoàn thiện đề án hỗ trợ doanh nghiệp (DN), NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với 6 nhóm chính sách hỗ trợ để trình Chính phủ.
Doanh nghiệp có nhiều lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 sẽ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ Ảnh: AN CHI
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, bộ đã chủ động triển khai hướng dẫn việc tạm dừng đóng BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí và tử tuất theo nguyên tắc những DN có trên 50% NLĐ bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và DN bị 50% thiệt hại do ảnh hưởng của dịch. Bên cạnh đó, bộ đã và đang trình Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể nâng cao mức hỗ trợ và tập trung mở rộng hơn đối tượng bao gồm tất cả những DN bị ảnh hưởng do dịch đều được tạm dừng đóng BHXH.
"Với quy mô trong đề xuất này, chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ được từ 1,5 - 3 triệu NLĐ và từ 100.000 - 200.000 DN, với số tiền tương ứng từ 25.000 - 49.000 tỉ đồng trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12-2020" - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nói.
Về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), sẽ tạm dừng đóng từ tháng 3 đến tháng 12. Đồng thời, miễn đóng tất cả với những người mất việc, ngừng việc và không có việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ trở lại cho DN để đào tạo nghề, chuyển đổi công việc và coi đây là một giải pháp để giữ chân NLĐ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết việc hỗ trợ thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất và BHTN sẽ tương đương với số tiền 150.000 tỉ đồng. "Chúng tôi tin rằng với 150.000 tỉ đồng này và cách thức tác động như vậy, chúng ta sẽ tạo ra sự ổn định rất lớn cho xã hội, đó là điều quan trọng nhất" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. Ông nhấn mạnh việc hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho NLĐ có khả năng thích ứng trong giai đoạn đầu, nhất là chuyển đổi công việc, tạm ngưng việc lúc ban đầu, cũng như hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để trở lại sản xuất - kinh doanh. Người đứng đầu ngành lao động khẳng định với quy mô hỗ trợ như vậy, Quỹ BHTN, Quỹ Bảo hiểm hưu trí, tử tuất hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu và bảo đảm được tính bền vững.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Về vấn đề tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn (CĐ) do ảnh hưởng của dịch bệnh, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây là một vấn đề rất lớn và thời gian vừa qua các hiệp hội, DN cũng đã đề xuất rất nhiều. Bộ đã trao đổi trực tiếp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và đã thống nhất trước mắt, tạm ngừng đến tháng 6-2020 việc đóng kinh phí CĐ đối với DN có 50% NLĐ gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh, sau đó sẽ tiếp tục xem xét cho tới tháng 12. "Còn nguyện vọng giảm hay dừng dài hơi hơn thì chúng ta phải có những đánh giá rất đầy đủ, sâu sắc và báo cáo các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, bởi đây là những vấn đề đã được quy định trong luật" - ông Đào Ngọc Dung nói.
Để triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg, BHXH Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, TP phối hợp với sở LĐ-TB-XH, sở tài chính báo cáo chủ tịch UBND tỉnh, TP chỉ đạo rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho NLĐ.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6-2020 ngay khi nhận được hồ sơ đề nghị của DN và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6 mà dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu DN có đề nghị thì kịp thời phối hợp với sở LĐ-TB-XH, sở tài chính báo cáo UBND tỉnh, TP gửi BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12-2020.
Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) - nhìn nhận trong bối cảnh dịch bệnh, sự cảm thông, chia sẻ với NLĐ và DN là cần thiết. Rất nhiều DN phải ngừng hoạt động, cắt giảm giờ làm, thay đổi hướng sản xuất - kinh doanh, dẫn đến NLĐ mất việc làm, giảm thu nhập ảnh hưởng đến đời sống của NLĐ. "Những chính sách về thuế, vốn, BHXH… gần đây là rất kịp thời, giúp DN ổn định sản xuất, NLĐ giữ được việc làm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19" - ông Trung nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-3
Đào tạo lại tay nghề cho NLĐ
Chia sẻ về giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cần rà soát, thống kê và kịp thời chi trả BHTN cho NLĐ bị thất nghiệp để họ có thể bảo đảm được cuộc sống hằng ngày và có thể được đào tạo, nâng cao tay nghề hoặc có thể chuyển sang ngành nghề khác, duy trì được thu nhập. Đối với các DN đang phải tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu, do không xuất khẩu được hàng hóa, theo ông Lợi, DN có thể tranh thủ thời gian này tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho NLĐ hoặc cải tạo cơ sở vật chất... "Có thể dùng một phần Quỹ BHTN để hỗ trợ DN thực hiện việc này, bởi với khoảng 70.000 tỉ đồng kết dư của Quỹ BHTN hiện nay, có thể vận dụng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và NLĐ" - ông Lợi nói.
Bình luận (0)