Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 3323/VPCP-KGVX ngày 30-5 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xử lý thông tin Báo Người Lao Động và một số cơ quan báo chí nêu về vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu, bảo đảm thủ tục hành chính hỗ trợ NLĐ tiền thuê nhà theo Quyết định số 8/2022/QĐ-TTg ngày 28-3 được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.
Thuê nhà cha mẹ vẫn được hỗ trợ
Liên quan đến vấn đề này, sáng 31-5, hơn 200 đại diện doanh nghiệp (DN) đã tham gia Hội nghị đối thoại DN với chính quyền TP HCM do Sở LĐ-TB-XH thành phố phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (ITPC) tổ chức. Theo Sở LĐ-TB-XH, đến nay vẫn chưa có NLĐ nào tại thành phố được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà.
Công nhân ở trọ tại TP HCM mong sớm nhận được khoản hỗ trợ tiền thuê nhà từ gói 6.600 tỉ đồng .Ảnh: HUỲNH NHƯ
Phản ánh tại hội nghị, nhiều DN cho hay đang gặp vướng mắc trong việc xác nhận thông tin thuê trọ của chủ nhà trọ theo mẫu số 01. DN băn khoăn: NLĐ thuê nhà nguyên căn, thuê trọ mà chủ nhà trọ chưa có giấy phép hoạt động, thuê phòng trong căn hộ của chủ nhà, chủ nhà trọ không phải là chủ hộ tại địa điểm cho thuê (trông coi giúp, cho thuê lại...) hay ở nhà của cha mẹ nhưng có trả tiền thuê hằng tháng... thì có thuộc đối tượng hỗ trợ hay không? Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP HCM, TP Thủ Đức), cho biết DN đang sử dụng khoảng 3.000 lao động nhưng đến nay vẫn chưa dám triển khai thực hiện chính sách cũng vì những vướng mắc này.
Bên cạnh đó, theo quy định, DN phải xác minh và chịu trách nhiệm về tính xác thực, trung thực đối với thông tin của NLĐ nhưng đối với DN có đông công nhân, việc xác minh không xuể vì không có nhân lực thực hiện. Khi hậu kiểm, phát hiện NLĐ gian dối mà DN không thể thu hồi được số tiền NLĐ đã nhận do đã nghỉ việc thì DN phải chịu trách nhiệm. "TP HCM mới có khoảng 2% NLĐ thuê nhà được cơ quan BHXH xác nhận danh sách và vẫn chưa có ai nhận tiền hỗ trợ, nên DN cũng muốn được cơ quan chức năng xác định rõ thời điểm chi trả sau khi hoàn tất hồ sơ để thông tin cho NLĐ" - ông Hồng chia sẻ.
Giải đáp vấn đề này, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết khoản 2 Quyết định số 08 quy định NLĐ ở thuê, ở trọ là những người cư trú tại cơ sở cho thuê, cho trọ và phải trả cho chủ cơ sở một khoản tiền thuê nhà. Việc xác định NLĐ có ở thuê, ở trọ thuộc về chủ cơ sở cho thuê trọ. Trường hợp chủ nhà trọ có ủy quyền cho người khác quản lý và cho thuê trọ thì phải có giấy tờ chứng minh hoặc NLĐ có thể đề nghị công an khu vực xác nhận tình trạng cho thuê, ở trọ của mình. "Nếu thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà không đúng quy định thì cơ quan liên quan từ chối tiếp nhận hồ sơ" - bà Trúc lưu ý.
Đối với trường hợp NLĐ thuê nhà của cha mẹ, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, khẳng định vẫn được hỗ trợ nếu NLĐ chứng minh được việc thuê nhà và có trả tiền thuê hằng tháng. "Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà là một trong những hình thức nhà nước hỗ trợ DN chăm lo cho NLĐ. Khi giao cho DN lập danh sách và để NLĐ tự kê khai là nhà nước tin vào sự trung thực, tính chính xác của thông tin mà hai bên cung cấp. Sau khi hồ sơ được xét duyệt, các cơ quan liên quan cũng sẽ nhanh chóng giải ngân để tiền sớm chuyển đến DN và chi cho NLĐ. Do vậy, Sở LĐ-TB-XH TP HCM vận động các DN sớm chủ động thực hiện thủ tục để chính sách hỗ trợ sớm đến tay NLĐ" - ông Lâm kêu gọi.
Vẫn chưa hết vướng
Mặc dù hầu hết các vướng mắc mà DN đặt ra tại hội nghị đều được đại diện Sở LĐ-TB-XH thành phố giải đáp song vẫn có một số phản hồi vẫn chưa làm DN thỏa mãn.
Chẳng hạn như khẳng định của sở về việc NLĐ mới được tuyển dụng, có giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) vào tháng 6-2022 nhưng chưa kịp tham gia BHXH không thuộc đối tượng hỗ trợ. Cụ thể, theo khoản 3 điều 4 Quyết định số 08, trường hợp NLĐ mới tuyển dụng, có giao kết HĐLĐ, chưa tham gia BHXH bắt buộc nhưng có tên trong danh sách trả lương của DN ở tháng liền kề trước thời điểm lập danh sách thì vẫn thuộc đối tượng hỗ trợ. Theo các DN, ở trường hợp này, tuy NLĐ mới ký HĐLĐ vào tháng 6-2022 nhưng vẫn có tên trong danh sách trả lương của DN vào tháng 5 (thử việc) thì họ vẫn đáp ứng đủ điều kiện, do vậy việc không được hỗ trợ là mâu thuẫn với quy định của Quyết định số 08.
Mặt khác, DN cũng cho rằng chính sách đã bỏ sót đối tượng khi Sở LĐ-TB-XH thành phố cho rằng người sử dụng lao động không có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đối với NLĐ thuộc diện hỗ trợ nhưng đã nghỉ việc trước thời điểm lập danh sách bởi không còn quan hệ lao động. "Tháng 4 và 5-2022, NLĐ làm việc tại công ty và nghỉ việc vào tháng 6-2022. Đến tháng 7-2022, DN lập hồ sơ đề nghị cho đối tượng này hưởng hỗ trợ tháng 4 và 5 thì không được. Điều này không hợp lý vì rõ ràng khoảng thời gian NLĐ đề nghị hỗ trợ họ vẫn còn quan hệ lao động với công ty" - một DN chia sẻ.
Một bất cập khác cũng được bà Bùi Thị Trúc Ly, cán bộ nhân sự Công ty CP Sài Gòn Food (huyện Bình Chánh, TP HCM), chỉ ra. Đó là với đối tượng mới quay lại thị trường lao động thì theo quy định trước ngày 15 hằng tháng, DN phải gửi danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo mẫu số 03 đến cơ quan BHXH để xác nhận đang tham gia BHXH bắt buộc. Nghĩa là DN phải lập danh sách NLĐ đề nghị xác nhận riêng từng tháng, không được gộp. Đồng thời, đối với NLĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của tháng 4-2022, DN phải gửi danh sách cho cơ quan BHXH trước ngày 15-5. Nếu không thực hiện đúng thời hạn thì cơ quan BHXH từ chối tiếp nhận.
"Ngày 10-5, Sở LĐ-TB-XH thành phố mới có văn bản triển khai và DN chỉ có 4 ngày để thực hiện các khâu từ triển khai thông tin đến NLĐ, nhận giấy đề nghị, xác minh thông tin và lập danh sách. Công ty chúng tôi có hơn 2.000 lao động và không phải NLĐ nào cũng nhanh chóng xin xác nhận từ chủ nhà trọ vì nhiều lý do khác nhau. Việc triển khai chính sách chậm không phải lỗi của NLĐ nhưng họ lại bị thiệt thòi quyền lợi. Tôi mong cơ quan chức năng sẽ xem xét lại trường hợp này" - bà Ly mong mỏi.
Doanh nghiệp làm chậm sẽ chịu trách nhiệm
Theo BHXH TP HCM, tính đến ngày 30-5-2022, BHXH thành phố đã xác nhận tham gia BHXH cho 3.854 đơn vị với 53.976 lao động đề nghị hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà. Trong đó gồm 52.321 NLĐ đang làm việc tại 3.424 đơn vị và 1.655 NLĐ quay trở lại thị trường lao động thuộc 430 đơn vị. BHXH lưu ý, đối với NLĐ đang làm việc, đơn vị có thể nộp danh sách đề nghị xác nhận (mẫu số 02) hằng tháng hoặc gộp 2 tháng hoặc 3 tháng. Hạn chót đề nghị xác nhận là ngày 15-8. Đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động, thời hạn hồ sơ cho cơ quan BHXH căn cứ theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg, chậm nhất đến hết ngày 15-8. DN chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực thông tin của NLĐ trên mẫu biểu. Trường hợp DN thực hiện lập hồ sơ không đúng đối tượng theo quy định, chậm trễ hồ sơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, đơn vị hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Ông LÝ KHÁNH HOÀNG, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Juno (huyện Bình Chánh, TP HCM): Chính sách phải linh hoạt
Công ty chúng tôi hiện có hàng trăm công nhân ngoại tỉnh đang thuê trọ. Trong quá trình làm hồ sơ và xin xác nhận từ phía chủ nhà, một số NLĐ gặp khó khăn khi chủ nhà không có mặt tại địa phương do định cư ở nước ngoài hoặc đang công tác xa... Đối với các trường hợp chủ nhà đồng ý ký nhưng vắng mặt tại địa phương, công ty đã linh động hướng dẫn NLĐ xin chữ ký xác nhận của người thân chủ nhà, còn trong trường hợp chủ nhà không có người thân tại địa phương thì NLĐ có thể xin xác nhận từ tổ trưởng tổ dân phố. Chúng tôi cố gắng linh động để quá trình tập hợp hồ sơ được nhanh chóng. Trường hợp sau khi nộp hồ sơ mà không được xét duyệt, công ty sẽ tiếp tục phối hợp xác minh hoặc xin hướng dẫn cụ thể để giải quyết cho từng cá nhân. Bởi thực tế, có trường hợp công nhân ở trọ rất lâu tại thành phố nhưng chủ nhà chưa đăng ký tạm trú thì việc xin xác nhận từ cảnh sát khu vực sẽ rất khó khăn. Theo tôi, chính sách hỗ trợ cần linh động để NLĐ sớm nhận được tiền.
Bình luận (0)