Trong những ngày này, chủ đề được công nhân (CN) các doanh nghiệp (DN) tại TP HCM bàn tán nhiều nhất là diễn biến Đại hội XII Công đoàn (CĐ) Việt Nam đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội. "Với CN ngoại tỉnh, quan tâm hàng đầu của họ là việc làm và thu nhập. Họ hy vọng sau Đại hội XII CĐ Việt Nam lần này sẽ có nhiều chủ trương, chính sách mới để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất lẫn tinh thần cho CN" - bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), nói.
Chính sách tiền lương phải ổn định
Tiếp xúc với chúng tôi, nữ CN Võ Thủy Tiên (quê An Giang) cho biết chị cập nhật thông tin về đại hội hằng ngày và rất mong có sự đổi mới mạnh mẽ trong phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ. "Năm năm qua, CĐ các cấp tiếp tục khẳng định được vị thế vững chắc trong lòng đoàn viên và người lao động (NLĐ) với các chương trình chăm lo thiết thực và có sức lan tỏa trong xã hội. Thông qua hoạt động chăm lo, mối liên kết giữa đoàn viên, NLĐ và tổ chức CĐ ngày càng bền chặt" - chị Tiên nhìn nhận.
Công nhân đang ở nhà trọ theo dõi thông tin Đại hội XII Công đoàn Việt Nam trên Báo Người Lao Động Ảnh: BẠCH ĐẰNG
Cũng như nhiều CN khác, chấp nhận xa quê kiếm sống, mong muốn giản dị của Tiên là có việc làm, thu nhập ổn định. Những năm gần đây, dù hằng năm được điều chỉnh tăng nhưng lương tối thiểu (LTT) vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Đáng lo hơn là sau khi LTT tăng thì giá cả sinh hoạt, tiền thuê nhà trọ, điện, nước... cũng tăng khiến đời sống CN vẫn không được cải thiện. "Nâng LTT phải đi kèm chính sách bình ổn giá để cuộc sống CN dễ thở hơn" - chị Tiên kiến nghị.
Cùng suy nghĩ ấy, anh Trần Hoàng Thon (quê Cần Thơ) bộc bạch: "Tiền lương có ý nghĩa quan trọng đối với CN ngoại tỉnh. Chỉ khi nào LTT theo kịp mức sống tối thiểu thì lúc đó CN mới dám nghĩ đến tích lũy. Do vậy, tôi hy vọng đại hội lần này sẽ phân tích, mổ xẻ kỹ vấn đề này để từ đó có ý kiến với Chính phủ, các bộ - ngành có chính sách hỗ trợ CN".
Chị Lê Thị Luyến (quê Nghệ An, CN Công ty TNHH Dong Kwang Vina, đóng tại KCN Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM) chia sẻ rằng số đông CN gặp khó khăn về thu nhập bởi LTT vùng hiện nay quá thấp so với mức sống. "Với vai trò của mình, tổ chức CĐ cần mạnh dạn hơn trong việc góp ý hoàn thiện chính sách tiền lương. Chỉ khi nào CN không lo lắng về tương lai thì họ mới an tâm gắn bó lâu dài với nơi làm việc và cống hiến nhiều hơn" - chị Luyến góp ý.
Có chính sách chăm lo dài hơi cho công nhân
Anh Nguyễn Xuân Hoài (CN Công ty TNHH Dệt May Trung Việt; huyện Hóc Môn, TP HCM) cho rằng nói đến CN là nói đến những người có cuộc sống khó khăn. Do vậy, nếu các chính sách liên quan đến CN không được cải thiện thì một bộ phận không nhỏ NLĐ sẽ "nghèo bền vững".
"Ở công ty tôi đang làm, CN rất đông. Họ là những lao động trẻ, nhiệt huyết nhưng trình độ thấp nên phải lao động phổ thông. Nhưng khi đã bước vào nhà máy, họ không còn thời gian, sức lực để cải thiện tình hình, đó là học tập nâng cao tay nghề hay chuyển đổi nghề" - anh Hoài nói. Cũng theo anh Hoài, nếu có cơ hội được học tập, được đào tạo nghề thì chắc chắn CN là lực lượng lao động quan trọng, sẽ làm ra sản phẩm chất lượng cao hơn. Cho nên, cần có chiến lược đào tạo nghề cho lực lượng CN trẻ. Tận dụng được nguồn lao động này sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh được về mặt nhân lực với các nước khác khi cách mạng 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Còn không thì bộ phận lao động này sẽ thất nghiệp, thêm gánh nặng cho xã hội.
Anh Lê Trọng Thành (CN KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) cho biết để có được thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng, vợ chồng anh phải tăng ca liên tục, có hôm đến 22 giờ mới về tới nhà. Tăng ca nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt, nhất là việc đưa đón con cái. Anh em CN kỳ vọng Đại hội XII CĐ Việt Nam sẽ bàn bạc, đưa ra những chính sách chăm lo thiết thực hơn đời sống vật chất lẫn tinh thần cho CN, nhất là CN ngoại tỉnh, từ nhà ở, nhà trẻ cho con CN đến việc tiếp cận các dịch vụ vui chơi giải trí sau giờ làm việc.
Bình luận (0)