Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam (tổ chức nhân đạo quốc tế chống đói nghèo toàn cầu và bất công xã hội), Sáng kiến đầu tư cho phụ nữ tổ chức diễn đàn về "Bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ Luật Lao động". Diễn đàn thu hút 250 người lao động (NLĐ) và gia đình tham gia.
Tăng ca kéo theo nhiều hệ lụy
Vấn đề được hầu hết công nhân quan tâm và thảo luận tại diễn đàn là đề xuất tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm. Nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện hành để NLĐ, nhất là lao động nữ (LĐN) đã có gia đình có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.
Theo anh Nguyễn Văn Liêm (Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn), việc kéo dài thời gian làm việc có thể giúp NLĐ tăng thu nhập, tuy nhiên cũng khiến NLĐ suy kiệt sức khỏe mà không khuyến khích họ tăng năng suất lao động. "Nếu thời gian làm việc ngắn, NLĐ sẽ chú tâm làm và năng suất lao động cũng cao hơn. Còn khi tăng ca 2-3 giờ, thậm chí 4 giờ/ngày thì NLĐ sẽ kiệt sức, kéo theo năng suất lao động giảm. Do vậy, ban soạn thảo Bộ Luật Lao động phải cân nhắc kỹ với đề xuất nới rộng khung giờ làm thêm; đồng thời nghiên cứu các giải pháp khuyến khích NLĐ tăng năng suất" - anh Liêm kiến nghị.
Đồng quan điểm, chị Lê Thị Phương Đông (Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Long Biên) cho rằng nên giữ nguyên quy định về thời giờ làm thêm hiện hành và tuổi nghỉ hưu để LĐN có điều kiện nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Chị bày tỏ: "NLĐ có thể cố gắng làm việc thêm 2-3 giờ/ngày nhưng như vậy không thể bảo đảm rằng ngày hôm sau họ vẫn đủ sức khỏe để làm việc với năng suất cao. Nhất là phụ nữ đã có gia đình, việc tăng ca quá nhiều khiến họ phải hy sinh nhiều thứ, trong đó có việc không có thời gian gần gũi, chăm sóc con cái".
Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải cân nhắc, xem xét cho phù hợp với điều kiện lao động, lĩnh vực, ngành nghề
Linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu
Một vấn đề khác được nhiều NLĐ đem ra mổ xẻ, phân tích tại diễn đàn là việc tăng tuổi nghỉ hưu của LĐN. Nhiều ý kiến cho rằng không nên thay đổi tuổi hưu và thời gian làm việc của LĐN, nhất là đối với những ngành, nghề đặc thù như may mặc, giáo viên mầm non, nhân viên ngành dịch vụ, các công việc độc hại… Tuy nhiên, ở một số ngành, nghề đặc thù như nhân sự quản lý, nhà nghiên cứu khoa học có thể tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể theo từng công việc và tình trạng sức khỏe của họ.
Chị Nguyễn Thúy Hằng, Chủ tịch Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Long Biên, nêu rõ: "Tôi từng kinh qua một số công việc và thấy rằng có những công việc tuổi thọ khó kéo dài, đối với các công việc này thì không nên tăng tuổi nghỉ hưu. Một ví dụ cụ thể là giáo viên mầm non sau tuổi 55 khó có thể chăm sóc trẻ chu đáo. Tôi bảo đảm không ai có đủ sức nhảy múa, ca hát cùng các bé ở độ tuổi 60 như dự thảo đề xuất? Hay trong ngành dịch vụ, LĐN trên 55 tuổi sẽ rất khó tạo ấn tượng với khách hàng. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu của LĐN cần có sự nghiên cứu kỹ hơn theo các lĩnh vực để NLĐ vẫn có thể cống hiến đồng thời bảo đảm sức khỏe của mình".
Đồng quan điểm về tuổi nghỉ hưu, anh Nguyễn Văn Liêm nói không nên áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu đại trà cho tất cả ngành nghề. Từ thực tế công việc tại công ty, anh cho rằng công nhân ngành may không thể tăng thêm thời gian làm việc. Phải ngồi máy liên tục trong suốt nhiều năm, NLĐ dễ bị bệnh nghề nghiệp như: đau cột sống, mắt kém. Tăng tuổi hưu không chỉ không bảo đảm NLĐ làm việc đúng năng suất doanh nghiệp mong muốn mà còn tăng nguy cơ tai nạn lao động. Vì vậy, khi tăng tuổi nghỉ hưu, các chuyên gia về xây dựng chính sách nên cân nhắc những vấn đề này.
Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Luật phải bám sát đời sống NLĐ
Pháp luật lao động cần được xây dựng và hoàn thiện theo hướng bám sát thực tiễn đời sống NLĐ, tạo sự an tâm và giúp họ vững tin hơn vào chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước.
Tôi biết bên cạnh các ý kiến không muốn tăng giờ làm thêm, nhiều anh chị em công nhân lại mong muốn làm thêm giờ để được tăng thu nhập. Đây là mong muốn chính đáng của NLĐ nhưng vấn đề cốt lõi của việc tăng giờ làm thêm đồng thời cũng là mục tiêu đấu tranh mà Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng đến là phải đạt được thỏa thuận của hai phía. Đối với vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của LĐN, cần xét đến nhiều yếu tố như đặc thù nghề nghiệp, sức khỏe và nguyện vọng của đối tượng ở từng ngành nghề.
Bình luận (0)